Ngày 7/6, bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh nhân ngứa toàn thân, mệt mỏi, kém ăn, vàng da, kết quả xét nghiệm phát hiện ngộ độc gan.
Người đàn ông cho biết 10 năm trước từng uống thuốc nam và tiểu ra sỏi. Gần đây, anh được phát hiện sỏi thận nhiều, không điều trị mà tiếp tục uống thuốc nam nhưng không rõ loại. Nửa tháng sau, triệu chứng vàng da, mệt mỏi tăng lên mới vào viện.
Kết quả xét nghiệm bệnh nhân cho thấy chỉ số vàng da tăng cao, siêu âm thận có nhiều sỏi, viên lớn nhất kích thước 2,4 cm. Các bác sĩ lên phác đồ trị ngộ độc gan, vừa đặt ống thông hỗ trợ tình trạng tắc nghẽn do sỏi. Về lâu dài, bệnh nhân cần can thiệp tán sỏi.
Sỏi thận hình thành khi nước tiểu cô đặc, nồng độ khoáng chất bên trong nước tiểu tăng cao. Các khoáng chất dư thừa này không được đào thải qua đường tiểu mà lắng đọng lại tại thận, lâu ngày liên kết lại với nhau tạo thành một khối tinh thể cứng gọi là sỏi thận. Các tinh thể càng để lâu thì kích thước càng lớn hơn, dễ gây các biến chứng nguy hiểm không chỉ tại thận mà còn nhiều cơ quan khác. Khi sỏi theo dòng tiểu di chuyển xuống các vị trí khác trong hệ tiết niệu sẽ gây ra biến chứng như ứ nước, nhiễm trùng đường tiết niệu, teo, xơ thận, suy thận.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị sỏi thận như uống thuốc, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi ống mềm nội soi, tán sỏi qua da đường hầm nhỏ.
Bác sĩ Huyền cho biết bản chất của thuốc nam rất tốt, tuy nhiên nhiều cơ sở dùng diêm sinh hay lưu huỳnh hoặc một số chất bảo quản, phụ gia khác gây vàng da, men gan tăng cao dẫn đến các chức năng của gan bị suy giảm, hủy hoại tế bào gan, lâu dài suy gan, suy đa tạng. Bệnh nhân có thể hôn mê gan, tiên lượng tử vong cao.
Bác sĩ khuyến cáo trước khi uống bất kỳ một loại thuốc gì phải tìm hiểu rõ nguồn gốc. Khi uống thấy mệt mỏi, khó chịu phải đi khám ngay.
Thúy Quỳnh