Gần đây, chị đau bụng dữ dội hơn vào đêm, đau từng cơn, uống thuốc không đỡ, ăn uống kém, nôn nhiều. Chị đến khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Hà Đông khám, kết quả nội soi dạ dày, đại tràng bình thường, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng chưa phát hiện bất thường, song xét nghiệm máu có tình trạng thiếu máu mức độ nhẹ, đo nồng độ chì trong máu cao gấp 6 lần người bình thường. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc chì mạn tính kèm viêm dạ dày. Người này cho biết thời gian qua uống thuốc nam.
Bác sĩ Vũ Xuân Diệu, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, ngày 4/3 cho biết chì là kim loại nặng màu trắng xanh, không có lợi về sinh lý đối với cơ thể. Nguyên nhân ngộ độc chì thường do sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, môi trường nghề nghiệp, thực phẩm...
Triệu chứng lâm sàng tùy thuộc vào ngộ độc chì cấp hay mạn tính. Ngộ độc chì cấp tính, các triệu chứng rầm rộ và nặng với các dấu hiệu thần kinh như kích thích, nôn mửa, thậm chí hôn mê...; bệnh lý tiêu hóa như nôn, đau bụng, bệnh lý thận... Đối với ngộ độc chì mạn tính, triệu chứng nhẹ hơn và không điển hình hoặc không có triệu chứng, đôi khi dễ nhầm với các bệnh lý tiêu hóa khác, phải xét nghiệm nồng độ chì trong máu mới kết luận đúng.
Theo bác sĩ Diệu, tùy mức độ bệnh, bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp, song phải xác định được nguyên nhân gây tình trạng nhiễm độc để khắc phục. Người dân khi có bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế uy tín, không tự ý uống thêm thuốc. Không tự mua và sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thùy Anh