Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, thành tích của giáo sư Bảo Châu sẽ là tấm gương, là động lực lớn cổ vũ, khuyến khích các nhà khoa học trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học cơ bản phấn đấu học tập, nghiên cứu. Ông Quân bày tỏ mong muốn giáo sư Bảo Châu sẽ dành thời gian giúp đỡ đào tạo thế hệ trẻ, đồng thời làm cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới.
* Clip Ngô Bảo Châu nhận giải Fields |
Ông Quân cũng khẳng định, Chính phủ, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho các nhà khoa học trẻ thông qua Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ quốc gia trong công tác nghiên cứu khoa học cơ bản, định hướng ứng dụng.
GS Ngô Bảo Châu và mẹ ở Amsterdam, Hà Lan. |
GS TSKH Trần Văn Nhung cho biết, từ 2-3 tháng nay, ông luôn có cảm giác ngất ngây trước việc Ngô Bảo Châu có thể giành giải thưởng lớn này. "Nhiều người ví đây với giải Nobel nhưng giải thưởng Fields chỉ dành cho người dưới 40 tuổi, còn giải thưởng Nobel thì có thể 70-80 tuổi vẫn đoạt được. Anh Châu là người thứ 4 có quốc tịch châu Á (3 người Nhật Bản, một người Việt Nam) đoạt giải. Trước đó cũng có 2 người gốc Hong Kong và Trung Quốc, nhưng quốc tịch lại ở Mỹ và Australia", GS Trần Văn Nhung nói.
Theo GS Nhung, việc Ngô Bảo Châu đoạt giải là hoàn toàn xứng đáng bởi đã chứng minh được bổ đề cơ bản. "GS Châu như một tổng công trình sư bắc được nhịp cầu giữa nhiều bến bờ xa lạ. Lâu nay mọi người vẫn tin là điều đó đúng nhưng chưa thể chứng minh, và GS Châu đã làm được", ông Nhung nói.
"Việc GS Châu đoạt giải là niềm tự hào của giới khoa học, giới Toán học Việt Nam, dân tộc Việt Nam và chứng minh chủ trương mở các lớp chuyên là hoàn toàn đúng đắn. Và chính Ngô Bảo Châu từng nói, nếu không có trường chuyên lớp chọn thì không thể có kết quả của anh cũng như những người khác", nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nhung nhấn mạnh.
Tự hào về việc chủ nhân của giải thưởng Fields 2010 là "người Việt Nam, gen Việt Nam và cất cánh từ Việt Nam", GS Nhung cho biết thêm, năm 1988-1989 cậu học sinh khối chuyên Toán của ĐH Tổng hợp Hà Nội 2 lần vô địch Toán thế giới. Sau khi được thầy giáo người Việt Nam dạy dỗ, Ngô Bảo Châu tiếp tục được Pháp và Mỹ đào tạo thêm.
"Dù anh Châu được đào tạo ở Pháp hay Mỹ, tôi vẫn tin và tự hào vào trí tuệ Việt Nam. Nhưng nếu đất nước có nhiều thanh niên giỏi thì phải có cơ chế chính sách, lãnh đạo thế nào để phát huy chứ không phải chỉ say sưa, ru ngủ với thành tích này", Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước bày tỏ.
Túc trực bên máy vi tính suốt buổi trưa và chờ đợi việc xướng tên người học trò tài năng của mình, giáo sư Nguyễn Văn Mậu vui sướng cho biết, thành tích của Ngô Bảo Châu là niềm tự hào khôn tả của dân tộc cũng như của cả châu Á. Giáo sư Nguyễn Văn Mậu là người trực tiếp phụ trách đội tuyển Olympic Toán Việt Nam thời điểm Châu đi thi.
Nhìn nhận toàn bộ quá trình Bảo Châu trưởng thành, giáo sư Mậu khẳng định, thành công của Châu không phải tự nhiên mà có mà đó là cả quá trình rèn luyện lâu dài. "Bảo Châu có tài năng, học hành bài bản, lại được gửi tới những trung tâm Toán học lớn của thế giới, gặp thầy giỏi. Không phải đơn giản mà hội tụ được các yếu tố này nên việc Châu được vinh danh là tất yếu", giáo sư nói.
Giáo sư Mậu cũng cho rằng, sau sự kiện này, Toán học Việt Nam sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, xây dựng và gia nhập các trường phái Toán học trên thế giới.
Tên người đoạt giải thưởng Fields được trang trọng đặt trên trang nhất website của Hội nghị Toán học Thế giới 2010. Ảnh: icm2010.org.in |
Chiều 19/8, ngôi nhà 4 tầng nằm sâu trong ngõ 12 Đào Tấn (Hà Nội) của gia đình giáo sư Ngô Bảo Châu khóa cửa. Hai ông bà Ngô Huy Cẩn và Trần Lưu Vân Hiền đã sang Ấn Độ tham dự lễ trao giải thưởng của con trai. Khi nhắc đến Ngô Bảo Châu và giải thưởng mà anh đạt được, ngay cả người bán hàng nước, rồi người hàng xóm đối diện với nhà ông bà Cẩn đều bày tỏ sự ngưỡng mộ.
Ông Văn Đình Hải, 75 tuổi, bán nước ở đầu ngõ cho biết, Châu rất giống bố mẹ ở lối sống giản dị, khiêm nhường. "Sống ở nước ngoài, mỗi độ hè về, cậu ấy lại đưa vợ con về chơi khoảng nửa tháng. Chiều chiều mấy bố con dắt nhau dạo chơi. Họ rất giản dị, chưa bao giờ thấy đi xe máy hay ôtô, toàn đi bộ về nhà. Biết tin Châu đoạt giải cả xóm ai cũng tự hào", ông Hải nói.
Và như đón trước sự kiện này, 2 ngày trước khi người Việt Nam đầu tiên được xướng tên nhận giải Fields, hôm 17/8, Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đến năm 2020. Với số tiền 651 tỷ đồng, Chính phủ kỳ vọng trong vòng 10 năm nữa thứ hạng Toán học Việt Nam sẽ nhảy tư bậc 50 hiện nay lên hạng 35-40, và đóng góp nhiều hơn nữa vào kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh.
GS Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội, là con duy nhất của GS TSKH Ngô Huy Cẩn, chuyên gia hàng đầu về cơ học và PGS TS Trần Lưu Vân Hiền. Anh từng học tại trường thực nghiệm Giảng Võ, trước khi vào khối chuyên toán của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Năm 1988, Bảo Châu tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế tại Australia và giành huy chương Vàng. Năm sau, anh tiếp tục giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế tại Đức. Cũng trong năm 1989, anh sang Pháp học tại ĐH Paris 6 và bảo vệ luận án tiến sĩ khi mới 25 tuổi tại ĐH Sư phạm Paris - ngôi trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp. Năm 2003, ở tuổi 31, anh hoàn thành luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) tại ĐH Paris 11 và đầu năm sau trở thành giáo sư của đại học này. Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm giáo sư và trở thành giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam. Năm 2007, sau khi chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của Chương trình Langlands, anh được trao Giải thưởng Oberwolfach của Đức, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp. Từ năm 2007 đến nay, GS Ngô Bảo Châu trở thành giáo sư đặc biệt tại Viện Toán học Việt Nam và tháng 9 tới, GS Ngô Bảo Châu sẽ bắt đầu làm việc tại khoa Toán ĐH Chicago (Mỹ). Đầu tháng 8, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã mời Ngô Bảo Châu về Việt Nam công tác và đóng góp cho chương trình nhằm đưa nước ta trở thành cường quốc về Toán. Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020, với tâm điểm là xây dựng Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán. Trong lần chia sẻ với báo chí, GS Châu cho biết, nếu vinh dự được nhận giải thưởng Fields, anh sẽ dành toàn bộ số tiền thưởng cho các học sinh nghèo. |
T. Dũng - N. Hưng - H. Thùy