Thứ tư, 18/12/2024
Thứ năm, 2/2/2017, 10:11 (GMT+7)

Nghìn người tranh cướp hoa tre, trầu cau tại hội Gióng

Hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được tổ chức từ ngày 6 - 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, và luôn diễn ra cảnh cướp lộc sau lễ tế.

Sáng 2/2, hàng nghìn người đổ về hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Hội Gióng là lễ hội truyền thống tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Lễ hội mô phỏng một cách sinh động diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến chống giặc Ân, thông qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa; đồng thời giáo dục lòng yêu nước, truyền thống thượng võ, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Hội Gióng được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng tiêu biểu nhất là Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội).

Hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được tổ chức từ ngày 6 - 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Theo truyền thuyết, sau khi đánh thắng giặc Ân, Phù Linh là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời. Để tưởng nhớ công lao của Đức Thánh, tại đây, nhân dân đã xây dựng Khu di tích đền Sóc bao gồm 6 công trình: đền Hạ (hay còn gọi đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (hay còn gọi đền Sóc), tượng đài Thánh Gióng và nhà bia. Trong đó, đền Thượng là nơi thờ Thánh Gióng và tổ chức lễ hội với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ Mộc Dục; lễ rước; lễ dâng hương; lễ hóa voi và ngựa…

Để chuẩn bị cho ngày hội chính, vào đêm mùng 5, lễ Mộc Dục (tắm tượng) được tiến hành để mời Đức Thánh về dự hội. Đến ngày mùng 6 khai hội, nhân dân 8 thôn làng thuộc 6 xã nằm quanh Khu di tích đền Sóc là Tân Minh, Tiên Dược, Phù Linh, Đức Hòa, Xuân Giang và Bắc Phú dâng các lễ vật đã được chuẩn bị chu đáo lên Đức Thánh, cầu mong ngài phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong đó, nghi lễ dâng hoa tre lên đền Thượng của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) được tổ chức đầu tiên. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50 cm, đường kính khoảng 1 cm, đầu tre tuốt bông và nhuộm màu tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng. Hoa tre sau khi dâng lên đền Thượng sẽ được rước xuống đền Hạ rồi phát cho người dự hội để cầu may. 

Sau Lễ tế hoa tre được lực lượng bảo vệ để đưa sang đền Hạ. 

Lực lượng chức năng được tăng cường để đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội.

Bảo vệ hoa tre trong quá trình di chuyển từ đền Thượng xuống đền Hạ.

Sau lễ, hoa tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may.

Hàng nghìn người đứng vây quanh khi hoa tre được tung ra sân đền.

Nhiều người ùa vào chen lấn, tranh cướp hoa tre. Đây là cảnh tượng quen thuộc hàng năm.

Khoảnh khắc tán lộc hoa tre chỉ diễn ra trong vòng hơn một phút, ai nhanh hơn và khoẻ hơn mới giành được lễ vật.

"Gia đình tôi có 4 người năm nào cũng đi lễ và tham gia tranh cướp lộc, được không nhiều thì ít, với mong muốn một năm mới nhiều thành công", anh Nguyễn Văn Nam chia sẻ.

Trong ngày diễn ra hội Gióng còn có lễ rước trầu cau. Khi đoàn rước lễ vừa ra khỏi đền Thượng, hàng nghìn thanh niên đã reo hò, lao vào tranh cướp giò trầu cau bất chất sự ngăn cản của lực lượng công an.

Việc chuẩn bị lễ trầu cau của thôn Đan Tảo được tiến hành muộn hơn so với các thôn khác, trước ngày lễ khoảng một hai hôm. Theo các cụ bô lão trong làng kể lại, ngày xưa khi ông Gióng đánh giặc về tổng Đan Tảo mới cho quân sĩ nghỉ ngơi ở rừng Cơm. Làng Đan giếng xanh, chè ngon, nước mát, người dân có tục ăn trầu, nhân dịp này để đền đáp công ơn đánh giặc cứu nước của quân Thánh dân làng mới mang nước, mang trầu ra mời. Từ đó, lễ hội hàng năm thôn này đều có trầu cau làm lễ vật tiến Thánh.

 

Nhiều người không tranh cướp được thì kiên nhẫn chờ đợi để lượm những cành lộc rơi vãi dưới đất.

"Là một trong những người tham gia đoàn rước trầu cau, tôi đã nhặt được một nắm lộc, hy vọng năm mới sẽ gặp nhiều may mắn", bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn Đan Tảo hồ hởi nói.

Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay Ban tổ chức di chuyển bát hương và nhiều vật dụng dễ vỡ để tránh tình trạng người dân xô đẩy, dẫm đạp.

Ngọc Thành