Sáng mùng 7 Tết Quý Mão, ông Nhung, 99 tuổi, trú thôn Hòa Nhượng, xã Phú Gia, huyện Hương Khê - người đang trông coi bảo vật vua Hàm Nghi ban tặng cho xã - dậy từ sớm, mặc quần áo gọn gàng để chuẩn bị cho lễ hội Hàm Nghi - Sơn Phòng, hay còn gọi là lễ rước bảo vật và sắc phong của vua.
Theo sử sách, năm 1885, khi kinh thành Huế thất thủ, tướng Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi mới 14 tuổi cùng đoàn tùy tùng ra Quảng Trị lánh nạn. Đoàn sau đó đi bằng nhiều con đường độc đạo, trở về xã Phú Gia, huyện Hương Khê lập thành Sơn Phòng, ban chiếu Cần Vương lần hai chống Pháp.
Trong thời gian lập căn cứ địa ở xã Phú Gia, một hôm bị quân Pháp tấn công, vua Hàm Nghi chạy trốn vào đền Trần Lâm (thôn Phú Hòa). Tương truyền, một vị thần linh báo mộng nhà vua không nên ở lại nơi này quá lâu, bởi nguy hiểm cận kề. Vua Hàm Nghi cảm ơn dân làng rồi rút vào vùng núi Quảng Bình củng cố lực lượng đánh giặc.
Vua Hàm Nghi bàn với tướng lĩnh chuẩn bị sắc phong và lễ vật, ban cho đền Trần Lâm danh hiệu "Thượng thượng đẳng tối linh thần". Xã được vua tặng cho hai con voi bằng vàng nguyên khối (một con nặng 2,7 lượng, con còn lại 1,7 lượng), 48 đạo sắc phong, 8 bộ áo mũ triều thần, cờ lộng, hai thanh kiếm lưỡi sắt có cán sơn son thiếp vàng, một con nghê đồng, một tấm áo bào, 20 chiếc quạt.
Từ ngày được vua ban tặng bảo vật quý, cứ hai năm một lần, người dân xã Phú Gia làm lễ bầu ra một người uy tín, đặt chức danh là cố đạo chủ, được đưa hộp sắt đựng bảo vật về nhà cất giữ. Năm nay, ông Phan Hùng Vỹ, trú thôn Phú Hồ là tân cố đạo chủ. Đến nay toàn xã có 50 cụ cao niên giữ vị trí này.
Theo ông Nhung, được trông coi bảo vật rất vinh dự song cũng áp lực, thường không dám đi đâu xa, buổi tối nằm ngủ nghe tiếng động cũng phải tỉnh dậy quan sát. "Có quan niệm, năm nào cố đạo chủ canh giữ, bảo vệ tốt bảo vật thì năm đó dân chúng làm ăn gặp nhiều may mắn, cuộc sống hạnh phúc", ông Nhung nói.
Lễ rước bảo vật và sắc phong năm nay diễn ra trong giá rét. Nhà ông Nhung từ sáng sớm đã tấp nập người ra vào. Sau khi thắp ba nén hương báo cáo lên Đức Thánh Mẫu Trần Lâm, các cụ cao niên cùng lãnh đạo địa phương lấy bảo vật gồm hai con voi vàng, 40 đạo sắc phong, 8 bộ áo mũ triều thần, 2 thanh kiếm... cho mọi người cùng chiêm ngưỡng, rồi bưng ra đặt vào kiệu để bắt đầu lễ rước.
Có ba chiếc kiệu tham gia lễ rước, kiệu đi đầu đặt ảnh vua Hàm Nghi cùng các bảo vật, kiệu kế tiếp rước sắc Đức Đại Vương, chiếc cuối cùng rước Đức Thánh Mẫu Trần Lâm và Mã Hồng công chúa. Những thanh niên chưa vợ được lựa chọn từ các thôn trong xã làm trai kiệu, 8 người khiêng một kiệu.
Lễ rước sắc phong và bảo vật vua Hàm Nghi sáng nay thu hút hàng nghìn người trong và ngoài xã Phú Gia tham gia. Hai bên đường, nhiều gia đình đưa cau trầu, rượu, bánh kẹo... mời các thành viên trong đoàn thưởng thức lộc đầu xuân.
Khởi hành từ nhà ông Nhung ở thôn Hòa Nhượng, kiệu được rước đi qua cụm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia trong phạm vi một km ở xã Phú Gia gồm đền Trần Lâm, khu di tích Sơn Phòng - Hàm Nghi và đền Cộng Đồng để thắp hương cầu siêu. Tại điểm cuối cùng là đền Cộng Đồng, tân cố đạo chủ Vỹ cùng các cụ cao niên làm lễ khai hạ, cầu cho dân làng năm mới an khang thịnh vượng.
Gần 11h, đoàn rước kiệu đến nhà tân cố đạo chủ Vỹ ở thôn Phú Hòa. Kiệu đặt sắc Đức Đại Vương và Đức Thánh Mẫu Trần Lâm, Mã Hồng công chúa cùng bảo vật vua ban được để lại nhà ông Vỹ để năm sau tổ chức tiếp. Còn kiệu có di ảnh vua Hàm Nghi đưa về lưu giữ tại đền thờ vua Hàm Nghi thuộc di tích Sơn Phòng.
Lãnh đạo huyện Hương Khê cho biết, rước bảo vật và sắc phong có lịch sử hàng trăm năm nay, là nét văn hóa tâm linh của người dân xã Phú Gia dịp đầu xuân mới. Lễ hội mang ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông, ghi nhớ công lao to lớn của vị vua yêu nước Hàm Nghi.
Vua Hàm Nghi húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch (1872-1943) là hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn. Năm 1884, Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13. Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài, sau đó tới Hà Tĩnh phát hịch Cần Vương kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước chống Pháp. Đến năm 1888 ông bị bắt, đem đi an trí ở Algeria và qua đời tại đây năm 1943 vì bệnh ung thư dạ dày.