Những bạn trẻ đã từng trải nghiệm và thích chơi game sẽ khá thuận lợi trong việc tiếp cận trò chơi mới, trong đó có Pokemon Go. Những người có nhiều thời gian rảnh rỗi, biết chơi game, có điện thoại kết nối 3G, Ipad xem Pokemon Go là một chọn lựa mới mẻ và lý thú. Đặc biệt kẻ có máu thắng thua, thắng thì thích, thua thì tức rất dễ bị nghiện. Ngoài ra còn có những người đang bị stress, muốn trốn vào game để được cảm giác an toàn, để được rượt đuổi, bắt bớ, thể hiện quyền lực của mình mà không bị người khác o ép, đè nén. Cuối cùng là những người muốn học đòi theo trào lưu cũng chạy theo mốt game này.
Để hạn chế tác hại của trò chơi Pokemon Go, các phụ huynh và các nhà giáo dục cần có những biện pháp ngăn ngừa trẻ nghiện game, nhất là khi Pokemon Go game mới vào Việt Nam, chưa đủ thời gian để gây nghiện. Không để các em chơi quá 2 giờ trong ngày bằng cách đặt báo động (alarm) hẹn giờ khi chơi.
Nhà cung cấp mạng có thể ngắt mạng khi người chơi Pokemon Go quá 2 giờ liên tục. Nhà sản xuất game cần quy định số lượng Pokemon được bắt tối đa trong ngày, quá số đó, có thể bị ngắt mạng bắt buộc. Người chơi cần xếp lịch làm việc bắt buộc sau 2 giờ săn Pokemon, chẳng hạn như đến giờ vào lớp học thêm, rước em tan học, rước vợ, con tan ca… Đừng để thời gian rảnh nhiều quá.
Các thành viên trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè, các tổ chức xã hội, tôn giáo… cần quan tâm, giúp đỡ, cố gắng kéo người mê game ra khỏi con đường dẫn đến nghiện game. Tạo công ăn việc làm thích hợp cho các bạn trẻ, giúp họ xây dựng niềm đam mê công việc, có các thói quen giải trí đúng mực, chơi để giảm stress nhưng đừng tạo thêm stress mới do hậu quả của mê game.
Các game thủ cũng cần bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách tập thói quen ăn uống đúng giờ, đầy đủ chất, nâng cao sức khỏe chung. Tăng cường tập thể dục mỗi ngày, có thể tập võ, aerobic, khiêu vũ, lao động trị liệu, tập thở thiền…
Tóm lại, Pokemon Go là trò chơi online lý thú, đưa thế giới ảo hòa nhập vào đời sống thực, mới ra đời vài tuần đã gây “sốt” cho giới trẻ trên toàn cầu. Trò này kéo người chơi ra ngoài đường, cầm điện thoại, iPad đi bộ từ 5 đến 10 cây số hoặc ngồi trên xe máy, săn lùng trong công viên, góc phố, bờ sông. Song trò chơi này dễ làm cho giới trẻ mê mệt, đi đến nghiện game lúc nào không hay, ảnh hưởng tới thể chất, tinh thần, gây tâm lý bất ổn, công việc và học hành sa sút, tốn tiền, mất nhiều thời gian. Tình cảm và các mối quan hệ gia đình, cộng đồng trở nên nhạt nhẽo, bất ổn. Tạo điều kiện cho cướp giật, tai nạn giao thông, thậm chí gây chết người.
Do vậy, tốt nhất chỉ nên chơi vui chứ đừng để nghiện Pokemon Go. Nếu lỡ nghiện, cần phải cố gắng vượt qua bằng nhiều hình thức trong sự hỗ trợ của gia đình, thầy cô, bạn bè, người thân, các tổ chức xã hội, tôn giáo… Đôi khi cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý trị liệu.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn
Đơn vị Tâm lý Lâm sàng
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM