Tôi luôn thích mua sắm.
Ngay từ nhỏ, mỗi khi xem quảng cáo thích một cái gì là tôi sẽ quay lại nói với mẹ: "Mẹ ơi, con cần nó". Mua sắm luôn là một nhu cầu của tôi.
Chẳng bao giờ tôi vào cửa hàng mà không mua một cái gì đó. Bởi tôi luôn tìm thấy một lý do để mua món đồ đó, cho dù không đủ khả năng. Mỗi khi buồn chán, tôi luôn muốn đến các trung tâm mua sắm. Tôi đi lang thang trên các con phố, nhìn thấy món đồ mình thích trong cửa hàng và tự nhủ: "Nếu mình vẫn còn suy nghĩ về nó trong ba ngày thì sẽ quay trở lại và mua nó". Thực tế, tôi luôn nghĩ về món đồ đó, bởi một khi tôi đã thích thì không thể loại bỏ nó khỏi đầu. Nó đã trở thành một nỗi ám ảnh.
Đến tuổi thiếu niên, tôi cầu xin cha mẹ mua cho mọi thứ và lần nào họ cũng phải thỏa hiệp. Bố mẹ đã cưng chiều tôi thái quá và tôi đã tận dụng điều đó triệt để. Nếu tôi không thể khiến mẹ đáp ứng mình, tôi sẽ rớt nước mắt trước cha. Tôi đã thành một chuyên gia rớt "nước mắt cá sấu". Và bởi vì tôi luôn có bất cứ thứ gì mình muốn, nên không bao giờ biết được giá trị thực sự của đồng tiền.
Khi vào trường đại học, tôi nhận ra nếu muốn mua một cái gì đó thì cần phải có một chiến lược. Vì vậy, tôi đã mở nhiều thẻ tín dụng - giải pháp hoàn hảo cho vấn đề của tôi. Tôi nghĩ sẽ trả số tiền tối thiểu nhất hàng tháng và có thể tiếp tục chi tiêu theo cách mình muốn.
Lúc đầu, tôi được sống trên thiên đường. Phần lớn tiền được dành vào quần áo, giày dép. Những thứ này làm tôi hạnh phúc hơn, dễ chịu hơn. Chúng sẽ giúp tôi được chú ý và công nhận. Tôi nghĩ mình sẽ không ổn khi không có chúng.
Chỉ trong vài tháng, tôi đã dùng hết tiền trong các thẻ tín dụng. Thậm chí tôi không thể trả số tiền tối thiểu hàng tháng và tôi hoảng sợ. Xấu hổ, tôi không nói cho ai biết về tình hình tài chính của mình. Sau đó, các chủ nợ bắt đầu gọi điện thoại, đôi khi lên đến 20 lần một ngày.
Tôi đã thay đổi số điện thoại.
Mặc dù thiếu tiền mặt, tôi vẫn không ngừng mua sắm. Tôi không thể dừng lại dù đã hết tiền. Tài khoản ngân hàng của tôi luôn thấu chi, và đã bị đóng vì không thể trả lệ phí thấu chi khổng lồ. Tôi đã không nói cho ai biết làm thế nào mà tiêu rỗng chúng.
Buồn chán, tôi đã tìm đến cách cai nghiện mua sắm trong rượu. Cả hai cái nghiện đều mang đến cho tôi cảm giác trống rỗng.
Cuối cùng tôi cũng thú nhận và đây là điều khó khăn nhất mà tôi từng thực hiện. Tôi học cách dừng uống rượu và phải ngừng chi tiêu theo kiểu phá hoại như trước đây. Tôi học cách sống trong khả năng của mình và phải trả giá cho những hậu quả đã gây ra.
Bước đầu tiên, tôi xem tất cả các hóa đơn đang chất đống trong nhà. Đó là cách duy nhất để biết những gì tôi còn nợ và lên kế hoạch để trả.
Điều tiếp theo tôi phải tìm hướng trả nợ hợp lý. Bởi vì phải trả rất nhiều các khoản thanh toán khác nhau nên tôi không thể đủ khả năng để trả nhiều hơn 10 đô la mỗi tháng cho một hóa đơn. Vì vậy, tôi nói chuyện với các chủ nợ và giải thích tình hình của mình. Tôi xin bắt đầu với mức nhỏ và khi kiếm nhiều tiền hơn sẽ tăng chi trả.
Mất bốn năm và đến ngày hôm nay cuộc sống của tôi đã hoàn toàn khác. Tôi đã trả hết nợ, trong đó may mắn có sự giúp đỡ của cha mẹ. Bố mẹ đã trả giúp tôi một số khoản thanh toán và tôi đã hoàn lại cho họ. Nhưng điều này không có nghĩa là bệnh nghiện mua sắm của tôi đã hết. Hiện tại tôi vẫn phải vật lộn với tiền chi tiêu và mua những thứ tôi không cần.
Đó là lý do tại sao bây giờ tôi tuân theo một ngân sách rất nghiêm ngặt để đảm bảo chỉ tiêu trong mức mình có. Vợ chồng tôi ngồi xuống mỗi tuần và kiểm tra lại ngân sách, cũng như số tiền đã tiêu và tiêu vào những việc gì.
Hiện giờ tôi vẫn phải sống với những hậu quả của thời nghiện mua sắm trước. Tôi không được mở lại thẻ tín dụng do bị mất lòng tin. Ngân hàng cũng không cho vay tiền, trong khi tôi đang muốn cải tạo ngôi nhà của mình.
Nghiện mua sắm gần như đã phá hủy cuộc sống của tôi. Tôi đã có một bài học đắt giá giữa một bên là đam mê mua sắm với một bên là sự phá sản về tài chính và tâm hồn. Giờ tôi đã rút ra bài học: Không có đôi giày hay bộ váy tuyệt đẹp nào có thể chiến thắng được sự tự ái tôi đã tìm thấy sau những tháng ngày phục hồi.
Bảo Nhiên (Theo Dailyworth)