Chuyến xuất hành đầu tiên trong năm mới của người phụ nữ 45 tuổi, chủ một tiệm tóc ở Hà Nội, là đến chùa Hương, tiếp đó là đền ông Hoàng Bảy (Lào Cai), đền Công Đồng Bắc Lệ, mẫu Đồng Đăng (Lạng Sơn), chùa Ba Vàng, Yên Tử (Quảng Ninh), đền ông Hoàng Mười (Nghệ An) và các đình, chùa, miếu mạo quanh Hà Nội. Theo kế hoạch của chị, đúng đêm 14 tháng Giêng phải có mặt ở Đền Trần (Nam Định) xin ấn.
Đã hàng chục năm đi lễ sau Tết, dù biết rõ tình trạng đông đúc, ùn tắc tại nhiều nơi, chị Mai vẫn quả quyết "đông đúc cũng phải đi" thì cả năm gia đình mới ấm êm, kinh doanh phát đạt.
Cả tuần nay chị chưa gặp mặt các con bởi nhiều hôm về nhà lúc nửa đêm, hôm sau lại lên đường sớm. Thấy vợ lễ lạt nhiều, chồng Mai khuyên nên chọn lọc bởi đâu chẳng thờ tự giống nhau. "Mỗi nơi thiêng một kiểu. Nếu muốn kêu cầu nhiều thứ phải đi hết", chị khẳng định.

Anh Thư đang kẹt cứng trong dòng người đang nhích từng bước để vào động Hương Tích, chùa Hương (Hà Nội) hôm 28/1. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ quê ra Hà Nội mùng 5 Tết, Anh Thư, 27 tuổi, quê Hà Tĩnh cũng rủ bạn bè đi lễ các chùa quanh Hà Nội, ngày nghỉ sẽ đi các chùa ngoại tỉnh. Cô bảo, năm nay người tuổi Tý gặp hạn tam tai và thái tuế khiến làm ăn khó vượng, sự nghiệp không vững, tình duyên trắc trở nên cần phải chăm đi lễ và dâng sao giải hạn. Thư dự kiến sẽ đi lễ tại 20 nơi ở miền Bắc và một số ở miền Trung. Chi phí cho mỗi chuyến dao động vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy lịch trình di chuyển và độ lớn nhỏ của đồ lễ.
Hiện chưa có thống kê nào ghi nhận số người thường xuyên đi lễ đầu năm mới như Thanh Mai hay Anh Thư, nhưng số du khách đến các địa điểm tâm linh đầu năm 2023 lớn, khiến tình trạng ùn tắc cục bộ, cảnh chen lấn thường xuyên xảy ra.
Chỉ riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) đã đón gần 222.000 lượt khách, ngày cao điểm lên tới 75.000 lượt người. Tại chùa Hương, gần 5.000 đò đã được hạ thủy để phục vụ nhu cầu đi lại của du khách dịp Tết. Riêng ngày khai hội mùng 6 Tết, lượng khách đạt khoảng 150.000 người. Ban Quản lý khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) cho hay, từ mùng 2 đến mùng 4 Tết, mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt thuyền được đưa vào phục vụ. Trung bình mỗi du khách phải đợi gần một tiếng mới đến lượt xuống thuyền.
Các công ty cho thuê xe chở khách đi lễ đầu năm cũng ghi nhận số lượng hành khách lớn. Bà Nguyễn Dung, giám đốc một đơn vị vận tải hành khách ở Hà Nội cho biết hai năm trước dịch, lượng khách đặt xe đi lễ, loại từ 4 chỗ đến 45 chỗ luôn trong tình trạng "cháy" vào tất cả các ngày trong tháng Giêng. "Năm nay giảm hơn vì nhiều người có xe riêng. Tuy vậy công ty đã kín lịch các ngày cuối tuần đến hết tháng 2, đều là người thuê đi lễ. Có khách quen đặt 2-3 chuyến trong một tuần, cũng chỉ phục vụ nhu cầu này", bà Dung nói.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, đi lễ đầu xuân năm mới là tín ngưỡng văn hóa truyền thống của người Việt, có sự kế thừa và không trái pháp luật. Theo quan niệm xưa, người Việt đi du xuân trong tâm thế hoan hỉ, tận hưởng không khí mùa xuân ấm áp, nhìn ngắm vạn vật nảy nở, sinh sôi. Đi chùa đầu năm mới không chỉ để ước nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân, bạn bè mà còn là thời gian để tìm về chốn tâm linh, hiểu thêm về văn hóa truyền thống.
"Nhưng hiện nay số người vãn cảnh thì ít, mà đến cầu cạnh, xin công danh, tiền bạc là nhiều. Điều này khiến bản chất ban đầu của đi lễ đầu năm bị hiểu sai", ông Hải nói.
PGS. TS Đỗ Minh Cương, nguyên giảng viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng việc liên tục đi lễ có thể gây tác động xấu đến cuộc sống, công việc như thiệt hại về kinh tế khi phải chi nhiều tiền cho việc di chuyển, mua đồ cúng; sao nhãng công việc; vợ chồng lục đục; gây ra hiện tượng ùn tắc giao thông, xả rác bừa bãi.
"Chưa kể việc a dua mù quáng, chạy theo phong trào còn có thể bị nhiều đối tượng xấu lợi dụng, hòng chuộc lợi", ông Cương cảnh báo.
Mai và nhóm bạn đều làm kinh doanh, ngoại trừ mở hàng vào sáng mùng 4 Tết do đẹp ngày, còn lại đều đóng cửa, khách đặt lịch đều từ chối vì bận đi lễ. Tiêu tốn tiền bạc, không có thời gian chăm chồng con buộc chồng cô phải ra tối hậu thư, nếu vẫn mê mải với những chuyến lễ lạt, anh đưa con về nội, mặc cô tự tung hoành.
Liên tục xin nghỉ phép hoặc cuối tuần luôn mất hút khi sếp giao việc khiến Anh Thư không ít lần bị nhắc nhở. Ngoài ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, cô gái này cũng tốn không ít tiền bạc làm lễ giải hạn, cầu bình an. Thư nói, tùy vận hạn bản thân, cô sẽ được mách làm các lễ cúng dâng giải hạn, ít thì 1-2 triệu đồng gồm hoa quả, lễ chay, mặn, nhiều thì chục triệu đồng, ngoài mâm hoa, quả còn dâng tiền vàng, hình nhân thế mạng, khiến mức lương 10 triệu đồng mỗi tháng không đủ chi tiêu, buộc cô phải vay bạn bè.

Hơn 50.000 người đổ về chùa Ba Vàng để khai hội hôm mùng 8 Tết. Ảnh: Chùa Ba Vàng
Ngoài đi tự túc, nhiều người đã về hưu, rảnh rỗi cũng theo các thầy cúng đi lễ. Bà Thanh Xuân, 60 tuổi, ở Hưng Yên là người sùng thần, phật nhưng không biết kêu cầu, lễ bái bài bản. Sáu năm trước, người phụ nữ này theo một thầy cúng, nhà mở điện thờ riêng. Ngoài việc cúng bái tại điện, người này còn tổ chức cho khoảng 25 đệ tử đi lễ trong hai tháng đầu năm. Chuyến ngắn 1-2 ngày, dài đến cả tuần.
Theo bà Xuân, việc đi theo tổ chức rất thuận tiện khi con nhang đệ tử không phải lo việc đặt xe, sắm sửa đồ lễ, viết sớ hay kêu cầu sao cho đúng bởi có thầy làm giúp. Chi phí các chuyến đi có kèm ăn uống, đồ cúng lễ và tiền xe dao động 700.000 đồng đến một triệu đồng một ngày.
Trước thực trạng trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hải cho rằng tư tưởng quyết định vận mệnh của một người. "Đi lễ muốn tốt, hiệu quả thì mỗi người phải giải quyết được tâm lý của chính mình, làm sao luôn giữ được sự thẳng thắn, cương trực. Tuyệt đối không để những yếu tố tác động bên ngoài gây ảnh hưởng xấu, khiến bản thân bị lôi kéo, a dua mù quáng", ông Hải nói.
PGS. TS Đỗ Minh Cương cũng cho rằng mỗi cá nhân cần nhận thức rõ ràng các vấn đề tôn giáo. Theo ông, mỗi người cần xác định động lực, mục tiêu phát triển thay vì chỉ trông đợi vào một thế lực nào đó. Ngoài cá nhân, các cơ quan, tổ chức cũng cần hạn chế phong trào đi lễ đầu năm dưới mác du xuân.
"Nếu thực sự là du xuân, nên chọn thời điểm phù hợp để mọi người cảm nhận được sự thoải mái, thay vì chèn ép nhau vào biển người", ông Cương nói.
Tổ chức cho nhân viên đi lễ đầu năm là hoạt động thường niên của công ty chị Thiên Hương, 40 tuổi, Bắc Ninh. Chị nói, trước dịch, công ty sẽ thuê hai ôtô loại 45 chỗ, lịch trình di chuyển gồm chùa Hương (Hà Nội), Phủ Dầy, đền Trần (Nam Định) xin ấn, sau đó đến đền cô Chín (Thanh Hóa)... để cầu lộc, cầu tài, kinh doanh thuận lợi, phát đạt.
Nhưng hai năm dịch không thể lễ lạt nhiều, công việc dù vậy vẫn phát triển tốt, nên năm nay cơ quan chị Hương quyết định không tổ chức đi lễ mà chuyển sang đợt cuối xuân, đầu hè, để tránh đông, nhân viên có không gian thảnh thơi tận hưởng khí trời.
"Tôi cho rằng chỉ cần tâm hướng phật, tu tâm tích đức và nỗ lực làm việc, lời nguyện ước mới được linh ứng", chị chia sẻ.
Quỳnh Nguyễn - Hải Hiền