Khủng long chân thằn lằn (Sauropoda) là những sinh vật to lớn nhất từng đi bộ trên Trái Đất, bao gồm một số loài khủng long cổ dài (Diplodocidae) có thể đạt kích thước hơn 30 m và nặng tương đương 14 con voi đồng cỏ châu Phi.
"Mọi người thường cho rằng Sauropoda bước đi như những con voi hiện đại, nhưng thực tế không phải như vậy", nhà cổ sinh vật học Jens Lallensack tại Đại học Liverpool John Moores của Anh cho biết trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Current Biology hôm 2/3.
Voi có "dáng đi một bên", có nghĩa là hai chi trên cùng một bên cơ thể lần lượt bước về phía trước, sau đó đến hai chi đối diện. Ví dụ, chân trước bên phải bước một bước, tiếp theo là chân sau bên phải, sau đó là chân trước bên trái, rồi đến chân sau bên trái.
Tuy nhiên, bằng cách mô phỏng máy tính kiểu sải chân của Sauropoda dựa trên dấu vết hóa thạch, Lallensack cùng các cộng sự nhận thấy khủng long chân thằn lằn khổng lồ có "dáng đi chéo" với mỗi bước của chân trước theo sau bởi chân sau ở phía đối diện.
"Sauropoda thực sự có dáng đi ngược với voi. Chúng tôi nghĩ sự khác biệt này là do chúng có thân hình to lớn hơn nhiều", tác giả chính của nghiên cứu nói thêm.
Dáng đi chéo cho phép những sinh vật khổng lồ, có thể nặng hơn 50 tấn, giữ thăng bằng tốt hơn bằng cách đảm bảo rằng chúng luôn có ít nhất một chân trên mặt đất ở mỗi bên. Hiện nay, động vật có dáng đi gần giống nhất với Sauropoda là hà mã, một loài cũng nổi tiếng với cơ thể nặng nề và khoảng cách chân rộng.
Nhóm của Lallensack đã phân tích loạt dấu vết hóa thạch kỷ Phấn Trắng của Sauropoda tại ba địa điểm khác nhau ở Arkansas và nhận thấy các dấu chân của chúng được đặt cách xa nhau hơn bất kỳ loài động vật hiện đại nào khác.
"Nếu có dáng đi như voi, cơ thể Sauropoda sẽ lắc lư rất nhiều. Với những sinh vật thực sự cao lớn và nặng nề, sự không ổn định đó sẽ gây căng thẳng cho cơ và xương. Đây là một vấn đề lớn", Lallensack nhấn mạnh.
Đoàn Dương (Theo NewScientist)