Chính phủ nêu chủ trương trên trong Chương trình phòng chống dịch Covid-19 2022-2023 ban hành ngày 17/3 (Nghị quyết 38).
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Để phòng chống Covid, Chính phủ yêu cầu thực hiện linh hoạt nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch" theo quy mô và phạm vi hẹp nhất. Công thức "5K + vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác" được áp dụng linh hoạt.
Việt Nam đặt mục tiêu đến hết quý I/2022 hoàn thành tiêm mũi hai cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi; tiêm mũi ba cho người từ 18 tuổi trở lên; đảm bảo đủ vaccine và hoàn thành tiêm cho trẻ từ 5 tuổi trước tháng 9/2022. Các đơn vị khẩn trương nghiên cứu tiêm mũi vaccine thứ tư cho người lớn; mũi thứ ba cho trẻ em từ 5 tuổi; tiêm cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi.
Nhằm đạt mục tiêu tỷ lệ tử vong do Covid trên một triệu dân tại Việt Nam được giảm thấp hơn mức trung bình của châu Á, Chính phủ yêu cầu tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ sản xuất, chuyển giao công nghệ, gia công vaccine trong nước. Các địa phương sẵn sàng cơ sở điều trị Covid phù hợp với tình hình mỗi nơi, đảm bảo đủ trang thiết bị, nhân lực, thuốc điều trị... Phác đồ điều trị Covid sẽ được cập nhật bằng y học hiện đại và y học cổ truyền.
Lực lượng y tế ngoài công lập sẽ được huy động tham gia chống dịch khi cần thiết. Cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở sẽ được phụ cấp 100% khi chống dịch; lực lượng vũ trang sẽ có chế độ ưu đãi đặc thù.
Để phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ yêu cầu các địa phương sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh; không đưa ra các biện pháp chống dịch trên mức cần thiết, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống.
Việc loại Covid khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A là thay đổi lớn trong phòng chống dịch, là cơ sở để các cơ quan chuyên môn ban hành hướng dẫn theo hướng linh hoạt, thích ứng với xu hướng bình thường mới, mở cửa du lịch.
Trước đó hồi tháng 2/2020, khi Covid-19 xuất hiện, Thủ tướng công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) tại Việt Nam, đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch là "bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu", lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.
Từ đó đến nay, Covid vẫn được xem là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tại nhiều thời điểm, để phòng chống Covid-19, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh như: Tạm dừng nhập cảnh, phong tỏa diện rộng, bắt buộc cách ly người nhiễm, người nghi nhiễm; dừng nhiều dịch vụ công cộng...
Thời gian gần đây, Bộ Y tế đánh giá dù số ca nhiễm tăng ở nhiều nơi, Việt Nam đã cơ bản bao phủ đủ liều vaccine cho nhóm dân số từ 12 tuổi nên tỷ lệ tử vong, chuyển nặng, nhập viện do Covid đã giảm.