Trong buổi tổng kết chương trình "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế", do Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức sáng 5/12, các nhà khoa học báo cáo nhiều kết quả được thực hiện trong 5 năm qua.
Một trong số đó là việc tìm ra di chỉ người tiền sử hiếm gặp ở hang động núi lửa Krông Nô, Đắk Nông. TS La Thế Phúc, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài cho biết nhóm nghiên cứu hang động núi lửa Krông Nô, Đắk Nông đã tìm thấy ít nhất 3 di cốt người và hàng vạn vỏ ốc biển cùng số lượng lớn di vật đá, gốm, xương răng động vật, vỏ nhuyễn thể. Các phát hiện mang giá trị cả về khoa học và thực tiễn về mặt di sản văn hóa, mở ra nguồn "tài nguyên hang động" tiềm ẩn, quý giá. "Toàn bộ hố khai quật và di cốt người tiền sử được scan và in 3D để trưng bày tại chỗ hang C6.1", TS Phúc nói.
Kết quả khai quật khảo cổ đóng góp quan trọng giúp Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông được UNESCO công nhận vào năm tháng 7/2020.
Từ đề tài này, nhóm nghiên cứu đã tách chiết thành công ADN từ xương động vật cổ, nghiên cứu môi trường sinh địa hóa để bảo tồn. Bên cạnh đó, việc phát hiện loài bọ cạp mới và đặc hữu giúp mở ra hướng nghiên cứu mới về đa dạng sinh học trong hang động núi lửa Tây Nguyên. "Kết quả bước đầu này mở ra một hướng nghiên cứu mới cho ngành khảo cổ và nhân chủng học, bảo tồn bảo tàng học, khai thác du lịch với các nước phát triển trên thế giới", ông cho hay.
GS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chủ nhiệm Chương trình cho biết, các nghiên cứu chỉ ra giá trị đa dạng sinh học, địa chất, tài nguyên đất, nước rừng xuyên biên giới, từ hệ sinh thái núi cao đến hang động núi lửa giúp Tây Nguyên trở thành vùng đất chiến lược quan trọng phát triển kinh tế, xã hội.
Ông dẫn ví dụ về việc phát hiện nhiều loài dược liệu như nấm linh chi, cây tinh dầu phục vụ chăm sóc sức khỏe. Hàng trăm tiêu bản lan rừng Tây Nguyên được nghiên cứu nhân giống bằng sinh dưỡng, nuôi cấy mô và nuôi trồng. Một số loài lan đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế cao được phát triển và bảo tồn.
TS Nguyễn Đình Kỳ, Phó chủ nhiệm chương trình, cho biết, sau 5 năm đã có 32 nhiệm vụ được thực hiện, bám sát các định hướng mục tiêu và thực tiễn ở Tây Nguyên. 100% các nhiệm vụ hoàn thành, tổng hợp liên ngành ba lĩnh vực gồm khoa học công nghệ, khoa học tự nhiên và phòng tránh thiên tai, khoa học xã hội và an ninh quốc phòng. Riêng nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ tạo ra 13 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, 14 sản phầm được đăng ký nhãn hiệu.
TS Kỳ cho hay, nhiều kết quả từ các nhiệm vụ được ứng dụng vào thực tiễn. Trong đó kể đến đề tài do GS.TS Phạm Gia Khánh làm chủ nhiệm đã xây dựng được mô hình quân dân y giúp chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng biên giới Tây Nguyên, phát triển sản phẩm thuốc đông dược, ứng phó kiểm soát dịch bệnh, tình trạng biến động dân cư, thời tiết khí hậu cực đoan.
Tổ hợp công nghệ phục hồi hệ sinh thái khu khai thác và chế biến khoáng sản do TS Nguyễn Mạnh Hà dẫn đầu được đánh giá có nhiều điểm mới. Nhiệm vụ giúp đưa ra nhân rộng cho gần 300 khu khai thác, chế biến, xây dựng mô hình khai thác nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng như điện mặt trời, điện gió, phục vụ sản xuất.
Nhiều công nghệ mới cũng được ứng dụng chuyển giao như phân bón từ lá rong sụn biển, kết hợp vi sinh vật bản địa, chế phẩm vi sinh... tạo ra các sản phẩm thiết thực.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của Ban Chủ nhiệm Chương, các nhà khoa học, nhất là trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động của các đề tài cần điều tra khảo sát và tập huấn thực tế tại địa phương.
Thứ trưởng Giang nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên. Ông dẫn minh chứng, ở nội dung khoa học công nghệ, đã xây dựng được mô hình bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, các giải pháp công nghệ nhằm ứng phó với suy thoái tài nguyên, phòng tránh thiên tai theo định hướng phát triển bền vững.
"Chương trình xây dựng được mô hình về sử dụng năng lượng tái tạo, lưu trữ mặt nước và nước ngầm, công nghệ chế phẩm sinh học, công nghệ sau thu hoạch", Thứ trưởng nói.
Định hướng ở giai đoạn mới, Thứ trưởng Giang nhấn mạnh việc tiếp nhận kết quả của các nghiệm vụ và ứng dụng nhân rộng mô hình. Ông khuyến khích nguồn lực từ doanh nghiệp hay xã hội trong việc chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình và sản xuất sản phẩm hàng hóa.
Thứ trưởng Giang cũng gợi mở, giai đoạn mới các địa phương cần đề xuất đặt hàng, kết hợp với các nhà khoa học nghiên cứu giải pháp để thúc đẩy phát triển bền vững Tây Nguyên .
Như Quỳnh