Người gửi: Nicholas Sam
Có lẽ kinh nghiệm thực tế của anh Lệnh Hồ Xung đã khiến sự thất vọng của bản thân anh càng cao khi làm nghiên cứu khoa học. Rồi tất cả những bức xúc ấy luẩn quẩn trong cái vòng "đầu tư" và "kinh phí".
Nhưng thực tế việc quan tâm tới vai trò của nghiên cứu khoa học (NCKH) trong chiến lược giáo dục chưa thực sự được những nhà làm công tác quản lý nhìn nhận đúng tầm quan trọng của nó. Bản thân tôi cũng là một người đang làm công tác giáo dục ở bậc đại học, và cũng rất thất vọng vì những gì đang diễn ra xung quanh mình. Tôi không được học từ những nước phát triển, chỉ được đào tạo tại Thái Lan, nước bạn mà chúng ta đang xem là mục tiêu trực tiếp để vượt qua trong giai đoạn tới, nhìn cách họ đối xử với NCKH mà thấy tủi thân.
Họ quy định rạch ròi bằng văn bản, mỗi năm giảng viên đại học phải dành 20-40% tổng số giờ làm việc cho NCKH, tham gia các hội nghị khoa học... Việc này nếu quy đổi thường tương ứng với hướng dẫn một luận văn Thạc sĩ và thực hiện một công trình nghiên cứu. Nếu làm một cuộc rà soát nhỏ, chúng ta sẽ phải tuyên dương rất nhiều giảng viên các trường đại học Việt Nam vì có khả năng dạy hàng nghìn tiết trong một năm học.
Trung tâm nghiên cứu của họ nằm trong trường Đại học nhưng tự sống bằng hoạt động của nó chứ không lệ thuộc vào kinh phí của đơn vị chủ quản. Nhờ việc này, các trung tâm nghiên cứu hoàn toàn được cởi trói để tìm kiếm cho mình những hướng đi phù hợp hơn trong giai đoạn mới. Ở ta, tiền điện nước còn phải chờ được thanh toán thì làm sao mà có tinh thần để làm nghiên cứu.
Điểm cuối cùng mà bản thân tôi thấy cũng quan trọng nhất, là chúng ta không theo một quy chuẩn nào về NCKH của các liên đoàn, tổ chức quốc tế mà chỉ sử dụng quy chuẩn do ta đặt ra. Vì vậy các công trình nghiên cứu trong nước dù hay, dù tốt đến đâu thì việc được đăng và công nhận trên các tạp chí khoa học chuyên ngành là việc không tưởng. Việc này chẳng khác nào "Mèo khen mèo dài đuôi".
Trong khi đó, công trình nghiên cứu của bạn được xác định là đạt khi nó được ấn bản trên một tạp chí khoa học chuyên ngành nào đó của các trường đại học Thái Lan, chứ không phải điểm số đạt được khi báo cáo. Có công trình báo cáo rồi nhưng cả năm, thậm chí không được ấn bản thì cũng bỏ đi.
Như vậy, để thấy ta không làm khoa học từ gốc, mà chỉ gặt lúa non. Nếu tiếp tục thế này, tôi không biết dựa vào đâu để tin chiến lược giáo dục của ta sẽ thành công với khẩu hiệu Khoa học mà mũi nhọn, nhưng ta chỉ vót nhọn mũi mà không đắp cứng cáp phần gốc.