Theo New York Times, nhằm ngăn ngừa thảm họa không gian, NASA đã ký thoả thuận cùng bắt tay nghiên cứu lĩnh vực quốc phòng hành tinh với Cơ quan Quản Lý An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA) hôm 17/6.
"Đây là một bước tiến lớn," Kevin Greenaugh, quan chức cấp cao của NNSA đánh giá. Hai cơ quan sẽ hợp tác nghiên cứu cách sử dụng tên lửa, bom và vũ khí nguyên tử làm lệch hướng sao chổi, tiểu hành tinh, thiên thạch có khả năng gây nguy hiểm cho Trái Đất.
Tuy nhiên một số nhà khoa học cho rằng vũ khí hạt nhân chỉ phù hợp với trường hợp khẩn cấp. "Tôi muốn xem đây là giải pháp cuối cùng," H. Jay Melosh, nhà địa vật lý đại học Purdue nói. Ông từng làm việc trong ủy ban đánh giá thảm họa không gian Mỹ năm 2010.
Theo các nhà khoa học, thảm họa toàn cầu chỉ có thể xảy ra khi tiểu hành tinh hoặc thiên thạch lao xuống Trái Đất có đường kính ít nhất một km. Đến nay, họ đã tìm thấy khoảng 1.000 vật thể như vậy định kỳ bay qua quỹ đạo Trái Đất nhưng không có vật thể nào bị coi là mối đe dọa trong tương lai gần.
Tuy nhiên, có hàng triệu khối đá nhỏ hơn bay gần quỹ đạo Trái Đất và hầu hết đều không được theo dõi. Chúng đòi hỏi giám sát chặt chẽ hơn, đề phòng va chạm phá hủy nhiều thành phố và khu vực.
Theo Hiệp hội Không gian Quốc gia Mỹ (NSS), tiểu hành tinh 1989FC có sức nổ tương đương 1.000 quả bom nguyên tử bay qua quỹ đạo Trái Đất ngày 23/3/1989, cách Trái Đất 6 giờ. Nếu nó tới muộn hơn, có lẽ tất cả chúng ta đã bị hủy diệt.
Tháng 10/1990, một thiên thạch nhỏ rơi xuống Thái Bình Dương, gây ra vụ nổ tương đương quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima, Nhật Bản năm 1945 (khiến 200.000 người chết ngay lập tức). Nếu thiên thạch này tới muộn hơn 10 tiếng, thì sẽ rơi trúng một triệu lính Mỹ và Iraq đang chuẩn bị giao chiến. Rất có thể, Mỹ sẽ coi đây là hành động tấn công hạt nhân của Iraq và lên kế hoạch trả đũa.
NSS cho biết, những vụ nổ do tiểu thiên thạch có sức công phá tương tự bom nguyên tử ném xuống Hiroshima xảy ra trung bình mỗi tháng một lần trong bầu khí quyển Trái Đất. Tuy nhiên, nó xảy ra ở những khu vực không có người sinh sống, do đó, không ai nhìn thấy nó.
Năm 1908, sao chổi có đường kính khoảng 50 m nổ giữa không trung vùng Siberia, Nga. Vụ nổ quật đổ 60 triệu cây. Nếu sao chổi này tới muộn 4 giờ 54 phút, nó sẽ va vào St. Petersburg, thủ đô Nga lúc bấy giờ. Lúc đó, thành phố có vài trăm nghìn dân này sẽ bị hủy diệt.
65 triệu năm trước, một thiên thạch lớn đâm vào Yucatan Peninsula, Mexico làm tuyệt chủng khủng long và nhiều loài khác. Vụ nổ tương đương 200 triệu megaton, biến không khí xung quanh thành plasma- trạng thái vật chất nóng, electron bị bứt ra khỏi hạt nhân, phân tử không thể tồn tại. Cứ 100 triệu năm, viễn cảnh này lại xảy ra một lần.
Gần đây nhất, năm 2013, thiên thạch đường kính khoảng 18 m nổ trên bầu trời Chelyabinsk, Nga, phá hỏng 7.000 toà nhà, làm 1.500 người bị thương.
"Vấn đề này phức tạp hơn người ta tưởng," tiến sĩ Betts, thành viên Hiệp hội Hành tinh nói về việc dùng vũ khí nguyên tử, đặc biệt là đầu đạn hạt nhân làm chệch hướng những vật thể có khả năng gây va chạm. "Lý tưởng nhất là không phải sử dụng. Chúng ta chưa dùng tới nó, nhưng chúng ta phải bàn bạc và thấu hiểu nguy cơ của vũ khí, trước khi đưa ra quyết định."
Dương Bùi