Chiều 29/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Gợi mở ý tưởng đặt máy tính tại khu chung cư phục vụ người dân làm dịch vụ công trực tuyến, ông Đam đề nghị các đơn vị khuyến khích người dân sử dụng căn cước công dân, mã số định danh cá nhân khi khám chữa bệnh, học tập, giao dịch ngân hàng, tạo lập tài khoản an sinh xã hội, khai báo tạm trú...
Với các dịch vụ công thiết yếu đang vướng khi triển khai, như cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe; liên thông đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế; liên thông đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí; cấp chữ ký điện tử; cấp lý lịch tư pháp... ông Đam nêu rõ "chủ trương không vướng". Vì vậy các bộ, ngành cần chỉ đạo chi tiết, tháo gỡ vướng mắc dù nhỏ nhất trong thủ tục thực hiện. Những việc này phải hoàn thành trong tháng 10.
Trước mắt, địa phương hướng dẫn ngay cách làm thống nhất về những loại giấy tờ cá nhân người dân cần mang khi giải quyết các thủ tục hành chính, theo quy định mới.
"Có những việc không mới nhưng đến bước chúng ta làm tổng thể, kết nối, đồng bộ tất cả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan đến người dân thành dữ liệu dùng chung của Chính phủ", ông Đam nói và yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát để đồng bộ, làm sạch dữ liệu.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), cho biết bên cạnh xây dựng kho dữ liệu cá nhân, địa phương cần số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Việc này sẽ làm sạch cơ sở dữ liệu đồng thời hình thành dữ liệu mới khi chưa có nguồn lực xây dựng cùng lúc.
Theo ông Phan, cần hoàn thành kết nối hệ thống thông tin cấp bộ, tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu về công dân giữa các hệ thống; điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai theo hướng tự động điền thông tin dữ liệu công dân.
Tại hội nghị, các địa phương cho biết còn khó khăn khi lực lượng triển khai đề án cấp xã, phường chưa sử dụng công nghệ thành thạo nên việc hướng dẫn người dân dùng dịch vụ công trực tuyến chưa đạt hiệu quả. Hạ tầng tiếp nhận, giải quyết, trả hồ sơ cho người dân chưa đáp ứng yêu cầu.
Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2015 với tổng số vốn hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án này thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân, tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các bộ, ngành và chính quyền các cấp. Qua đó cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về dân cư (số liệu, cơ cấu, phân bổ và các biến động...) phục vụ quản lý nhà nước, hoạch định chính sách.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân; hướng tới bỏ quản lý sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý cư trú điện tử...
Tháng 1/2022, Thủ tướng phê duyệt Đề án 06, xác định danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư; 52 nhiệm vụ cụ thể được phân công cho các đơn vị.
Mục tiêu của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia để phục vụ 5 nhóm tiện ích: giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế - xã hội; công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.