Chiều 11/3, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Du lịch cho biết sau khi Tổng cục làm việc với các bộ, ngành liên quan, sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để báo cáo Chính phủ về vấn đề hộ chiếu (visa) vaccine Covid-19 trong lĩnh vực du lịch.
Bình luận về đề xuất trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói hộ chiếu vaccine được một số nước áp dụng, Bộ đang phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu và sẽ kiến nghị điều chỉnh quy định xuất nhập cảnh phù hợp với diễn biến tình hình. "Hoạt động mở cửa, từng bước khôi phục đi lại của người dân và thúc đẩy phát triển du lịch phải đảm bảo yêu cầu về kiểm soát, phòng chống dịch bệnh", bà Hằng khẳng định.
Cùng ngày 11/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện Chính phủ "chưa bàn đến việc nới lỏng áp dụng biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho những người đã có chứng chỉ tiêm vaccine Covid-19".
Do chưa có chủ trương và quy định mới từ Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 "nên người nhập cảnh Việt Nam hiện vẫn phải cách ly đủ 14 ngày", theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên.
Trước đó ngày 5/3, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp kiến nghị liên quan đến "hộ chiếu vaccine".
Theo đó, Việt Nam không nên đợi hết dịch mới đón du khách quốc tế mà cần xem xét việc mở cửa cho khách du lịch có chứng chỉ tiêm vaccine Covid-19. Điều này sẽ giúp nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, việc đưa tấm hộ chiếu này vào thực tiễn còn nhiều trở ngại, đặc biệt là về cơ sở pháp lý và công nghệ.
Hôm 4/3, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan, đã thảo luận các biện pháp đẩy mạnh giao thương, thúc đẩy hồi phục kinh tế sau đại dịch, mở cửa và tạo điều kiện cho đi lại; kế hoạch tiêm chủng vaccine và khả năng áp dụng hộ chiếu vaccine.
Hộ chiếu vaccine là tài liệu kỹ thuật số chứng minh một cá nhân đã được tiêm phòng virus, trường hợp này là Covid-19 (còn được gọi là thẻ sức khỏe kỹ thuật số). Tài liệu này được lưu trữ trên điện thoại hoặc ví kỹ thuật số, dữ liệu hiển thị dưới dạng mã QR, còn có thể cung cấp thông tin liệu một người đã xét nghiệm âm tính với virus hay chưa.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), áp dụng chứng nhận tiêm phòng sẽ là công cụ quan trọng để ứng phó với đại dịch, thúc đẩy tái khởi động hoạt động du lịch quốc tế một cách an toàn. Một số nước đã phát hành hộ chiếu vaccine Covid-19, như Trung Quốc. Thái Lan cũng đã công bố kế hoạch cấp hộ chiếu vaccine và giảm thời gian cách ly bắt buộc những người đã tiêm chủng.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi thận trọng với các loại hộ chiếu y tế, yêu cầu các nhà chức trách và nhà điều hành du lịch không coi bằng chứng về việc tiêm chủng là điều kiện để du lịch quốc tế.
Ngày 10/3, ông Calvin Q Trịnh, Việt kiều Mỹ, trên 40 tuổi, nhập cảnh tại Tân Sơn Nhất, đã trình hộ chiếu đính kèm chứng nhận đã tiêm hai mũi vaccine Covid-19. Ông này vẫn bị cách ly 14 ngày theo quy định.