Clip bài phát biểu bằng tiếng Anh tại hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 hôm 2/12 đã khiến bé Lê Tử Lâm trở thành một hiện tượng trên các trang mạng xã hội Trung Quốc. Trong bài phát biểu của mình, Tử Lâm (9 tuổi, người Thành Đô, Tứ Xuyên) giới thiệu những nỗ lực và đóng góp của thanh niên Trung Quốc trong việc chống biến đổi khí hậu đồng thời kêu gọi những người trẻ cùng bảo vệ môi trường.
Qua tìm hiểu thông tin về Tử Lâm, nhiều người cho rằng cô bé 9 tuổi này giỏi tiếng Anh bởi cha mẹ đều là giáo viên ngoại ngữ và được nói tiếng Anh hàng ngày.
Mẹ Tử Lâm cho hay, ngay từ khi 2 tuổi, cô bé đã được xem phim hoạt hình, video ca nhạc bằng tiếng Anh. "Tôi và bé cùng học ngoại ngữ 2 tiếng mỗi ngày. Việc này đã kéo dài hơn 7 năm. Tử Lâm xuất sắc do sự khổ luyện chứ không phải yếu tố khác", người mẹ nói.
Châu Kiệt Luân là nhạc sĩ và ca sĩ nổi tiếng của Đài Loan. Trong một chương trình truyền hình, anh từng tiết lộ, hồi nhỏ rất ghét tập piano do bị mẹ bắt học đàn từ năm bốn tuổi và phải tập luyện hai tiếng mỗi ngày. Nhiều lần trốn tập để đi chơi với bạn nhưng bà mẹ và chiếc roi mây đã bắt anh trở về ngồi vào đàn.
Thời điểm đó, nam ca sĩ luôn đặt câu hỏi tại sao anh phải tập đàn piano trong khi bạn bè được vui chơi? Tại sao cả tuổi thơ phải gắn liền với việc tập nhạc? "Tuy nhiên khi lớn lên và trở thành một người nổi tiếng, tôi lại phải cảm ơn mẹ bởi cái roi mây và sự nghiêm khắc đó. Nếu không đã không có tôi của ngày hôm nay", Kiệt Luân chia sẻ.
Giống như Châu Kiệt Luân, ca sĩ rock nổi tiếng Trung Quốc – Uông Phong có tuổi thơ gắn liền với cây đàn violon từ lúc 5 tuổi và ngày phải tập ít nhất 4 tiếng. "Đến khi trưởng thành, tôi mới hiểu được sự thúc ép của bố mẹ. Việc chăm chỉ tập đàn và học âm nhạc đã khiến tôi trở nên nổi trội hơn các bạn cùng thời khác", Uông Phong khẳng định.
Sau khi xem chương trình của Uông Phong, một nhà xã hội học Trung Quốc đã viết: "Ý chí yếu kém là một vấn đề phổ biến của trẻ em. Dạy trẻ kiên trì là điều quan trọng nhất mà cha mẹ cần phải làm, dù đôi lúc phải sử dụng đến đòn roi".
Nhiều người không đồng tình với phát biểu của nhà xã hội học trên, nhưng vẫn có người lại cùng quan điểm. "Khi bạn ngày càng tiến bộ dưới sự giáo dục nghiêm ngặt của bố mẹ. Tương lai bạn sẽ phải cảm ơn họ bởi chính sự nghiêm khắc của ngày hôm nay", Uông Phong nói.
Năm 1976, Nhật Bản bắt đầu áp dụng chương trình cải cách với tên gọi "Giáo dục khoan dung" nhằm giảm số giờ học, giảm tải chương trình trong sách giáo khoa trước sự kêu gọi của nhiều phụ huynh.
Kết quả là 30 năm sau, chất lượng của các trường công lập ngày càng kém đi. Những người giàu lại chọn trường tư thục cho con em mình. Nghề gia sư cũng phát triển nhanh chóng bởi những đứa trẻ không được học thêm sẽ khó vào đại học. Nhiều cha mẹ tại Nhật khi này nói với nhau rằng: "Ai có tiền, người đó có thể chạy nhanh và xa".
Đến lúc này, chuyên gia giáo dục Nhật Bản đặt câu hỏi: Tại sao dưới môi trường giảm nhẹ gánh nặng, con cái của những gia đình ưu tú vẫn bị gửi đến trường tư thục với chương trình học tập nặng nề? Bởi vì cha mẹ của chúng biết rằng, nếu con họ muốn thành tài cần phải khổ luyện, thành công chưa bao giờ đến một cách dễ dàng.
Trong bộ phim tài liệu kể về 20 năm cuộc đời của tay vợt số 1 Nhật Bản Fukuhara Ai do đài truyền hình Fuji mới phát sóng gần đây, mẹ của vận động viên này chia sẻ: "Con đường đến với sự xuất sắc luôn đòi hỏi rất nhiều khó khăn. Điều này luôn đúng không chỉ với người lớn mà ngay cả trẻ em. Buộc đứa trẻ phải học là tàn nhẫn, nhưng không bắt buộc trẻ phải học nó sẽ tàn nhẫn hơn với chúng trong nửa cuộc đời sau".
Hải Hiền (Theo sohu)