Một biến thể mới với khả năng lây nhiễm mạnh đang lây lan khắp Cộng hòa Czech, khiến quốc gia Trung Âu 10 triệu người này ghi nhận ca nCoV mới cao gần mức kỷ lục, đẩy các bệnh viện đến bờ vực "ngã quỵ". Số người chết vì Covid-19 đã vượt 20.000, tỷ lệ tử vong thuộc hàng cao nhất thế giới.
Là một quốc gia tương đối giàu có và là thành viên của Liên minh châu Âu, Cộng hòa Czech không có lý do gì để nằm trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Nước này có khả năng tiếp cận với vaccine, thiết bị y tế, các giải pháp công nghệ truy vết, đồng thời sở hữu hệ thống y tế được đánh giá cao và nền kinh tế khá mạnh.
Thế nhưng, thảm họa hiện tại ở Cộng hòa Czech là hậu quả của nhiều sai lầm nhỏ, quyết định muộn màng và các thông điệp y tế sai lầm.
Hôm 26/2, chính phủ thừa nhận rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài áp lệnh phong tỏa rất nghiêm ngặt bắt đầu từ 1/3, khi phần lớn phần còn lại của thế giới đang bắt đầu cân nhắc nới lỏng hạn chế chống dịch.
"Chính phủ phạm sai lầm khi ra quyết định bằng cách dựa vào các chỉ số năng lực bệnh viện, điều đó khiến biện pháp đối phó dịch thường đến quá muộn" Jan Kulveit, học giả cấp cao tại Viện Tương lai Nhân loại, viện nghiên cứu đa ngành thuộc Đại học Oxford, đánh giá.
Ông cho rằng việc đưa ra nhận định về tình hình dịch bệnh dựa trên số bệnh nhân nhập viện là cách làm sai lầm, bởi mọi người thường chỉ nhập viện điều trị sau một khoảng thời gian nhiễm nCoV.
"Có khác biệt rất lớn giữa việc áp dụng biện pháp kịp thời và chờ đợi 10 ngày. Chậm trễ 10 ngày khi hệ số lây nhiễm (một người lây cho bao nhiêu người khác) là 1,4 đồng nghĩa với việc gia tăng gấp đôi mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh", Kulveit nói.
Chính phủ Czech chưa phản hồi yêu cầu bình luận. Phát biểu tại quốc hội hôm 26/12, Thủ tướng Andrej Babis thừa nhận chính phủ đã mắc "quá nhiều sai lầm", nhưng nói rằng đây không phải là lúc để tranh luận về quá khứ.
Tiến sĩ Rastislav Mad'ar, hiệu trưởng trường y thuộc Đại học Ostrava, một trong những nhà dịch tễ học hàng đầu của đất nước, chỉ ra ba quyết định sai lầm của chính phủ là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng hiện nay, gồm không áp lệnh bắt buộc đeo khẩu trang vào mùa hè, mở lại các cửa hàng trước Giáng sinh và thiếu phản ứng khi biến thể mới xuất hiện vào đầu tháng một.
"Đó là ba sai lầm lớn và hiện giờ chúng tôi chỉ cầu nguyện sẽ không có sai lầm thứ tư", ông nói.
Hồi mùa hè, chứng kiến Covid-19 có dấu hiệu gia tăng vào cuối tháng 8/2020, nhóm cố vấn cho chính phủ về hạn chế chống dịch đề nghị Thủ tướng Babis ra lệnh cho người dân đeo khẩu trang để ngăn virus lây lan. Tuy nhiên, Babis bác bỏ lời kêu gọi này, khiến Mad'ar, điều phối viên của nhóm cố vấn, quyết định từ chức.
Chính phủ Cộng hòa Czech sau đó mở cửa trở lại trường học vào đầu tháng 9/2020. "Điều này khiến khoảng hai triệu người gia tăng di chuyển và dịch bệnh bùng nổ", Mad'ar nói.
Chính trị có thể là yếu tố tác động đến quá trình ra quyết định. "Khi đó virus bắt đầu lây lan trở lại nhưng vẫn còn thời gian để ngăn chặn. Nhưng họ không làm vậy vì bầu cử sắp diễn ra", giáo sư nhân khẩu học Dagmar Dzúrová, trưởng Khoa Địa lý Xã hội và Phát triển Khu vực tại Đại học Charles ở Praha, nói, nhắc đến cuộc bầu cử thượng viện và khu vực hồi tháng 10/2020.
"Nhiều nước châu Âu trải qua làn sóng thứ hai, Cộng hòa Czech không phải là duy nhất", Kulveit nói. "Nhưng không giống các quốc gia khác, họ không mạnh tay dập làn sóng thứ hai, tôi nghĩ rằng cuộc bầu cử đóng vai trò trong đó".
Babis cho rằng những hạn chế này gây hệ quả kinh tế lớn và không được lòng người dân, nhưng khẳng định cuộc bầu cử không liên quan đến quyết định của mình.
Việc chính phủ không mạnh tay dập dịch đã tạo điều kiện để virus lây lan vượt tầm kiểm soát. Cuối tháng 10/2020, phong tỏa nghiêm ngặt là điều không thể tránh khỏi. Babis thừa nhận ông và chính phủ mắc sai lầm trong xử lý dịch và kêu gọi mọi người tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt. "Tôi không thể tưởng tượng rằng điều này sẽ xảy ra", ông nói vào thời điểm đó.
Nhưng một sai lầm khác sớm nhanh chóng diễn ra. Khi tình trạng lây lan bắt đầu giảm và Giáng sinh đến gần, chính phủ trở nên mất kiên nhẫn và quyết định bỏ qua quy tắc ra quyết định dựa vào dữ liệu.
Hệ thống PES được triển khai vào tháng 11/2020 nhằm xác định các bước tiếp theo của chính phủ dựa trên tình hình dịch tễ học, đòi hỏi có dữ liệu tích cực trước khi tiến hành bất kỳ nới lỏng nào. Mức độ rủi ro được xác định bởi một số yếu tố, bao gồm tỷ lệ lây lan, tỷ lệ dương tính trên số người được xét nghiệm và số ca trên 100.000 người.
"Họ không chịu được áp lực và đồng ý dỡ bỏ một số hạn chế để mọi người có thể ra ngoài mua sắm cho dịp Giáng sinh, mặc dù dữ liệu cho thấy ca nhiễm mới vẫn cao hơn so với thời điểm lệnh phong tỏa bắt đầu có hiệu lực", Mad'ar nói. Nới lỏng hạn chế trong dịp Giáng sinh đã khiến ca nhiễm tiếp tục tăng vọt, khiến họ phải tái phong tỏa sau kỳ nghỉ lễ.
Các chuyên gia nhận định chính trị tiếp tục tác động đến cách chống dịch, vì một cuộc bầu cử quan trọng khác sắp diễn ra trong năm nay. "Chúng ta đang trong thời gian vận động bầu cử và các đảng phái ít sẵn lòng đạt được đồng thuận với nhau hơn".
"Chính phủ không lắng nghe các chuyên gia và đang đối phó với đại dịch dựa trên nhu cầu chính trị của mình. Các chính trị gia, chủ yếu là Thủ tướng, là những người giải thích các biện pháp cho công chúng. Vì vậy, một bộ phận người dân có xu hướng tẩy chay các quy tắc vì lý do chính trị", Dzurova nói. Bà chỉ ra rằng ở những nước khác như Đức, các chính trị gia chủ yếu để giới chuyên gia giao tiếp với công chúng.
Babis bác bỏ lập luận này. "Trong suốt mùa hè, chúng ta có nhiều chuyên gia đến nỗi mọi người không biết đâu là sự thật", ông nói tại quốc hội.
Dzurova cho biết một vấn đề khác trong cách tiếp cận của Czech là thiếu hỗ trợ tài chính cho người dân bị phong tỏa, khiến nhiều người không thể tuân thủ các hạn chế dịch vì không đủ sống. Những người được yêu cầu cách ly chỉ được hưởng 60% mức lương trung bình, được chủ lao động trả trong hai tuần đầu tiên. Trong khi các doanh nghiệp được hỗ trợ, một số cơ quan ban ngành chỉ trích rằng khoản này không đủ.
Cộng hòa Czech cũng gặp khó khăn khi cố gắng đảm bảo người dân tuân thủ quy định. "Mọi người chán ngấy ở nhà, họ gặp riêng, tổ chức tiệc tùng, đi dã ngoại trên núi và phản ứng dữ dội với cảnh sát khi bị phát hiện. Cảnh sát không thể làm được gì nhiều", ông nói.
Các thông tin sai lệch cũng ngày càng lan rộng. "Đây không phải là vấn đề chỉ xuất hiện ở Cộng hòa Czech , nhưng dường như ngày càng có nhiều người tin vào thuyết âm mưu và cho rằng mức độ nguy hiểm của Covid-19 bị thổi phồng quá mức", Kulveit nói.
Truyền thông cũng được cho là đã góp phần gây rối thông tin vào giai đoạn đầu đại dịch bùng phát. "Truyền thông thường có logic là đưa tin hai chiều. Vì vậy, nếu bạn có một khách mời nói rằng khẩu trang hữu ích, thì cũng phải có một khách mời phản bác quan điểm đó. Và nếu có một khách mời nói rằng Covid-19 nguy hiểm, thì cũng cần mời một người nói rằng nó không nguy hiểm và hầu hết mọi người rồi sẽ ổn".
Kulveit tin rằng điều này đã bóp méo thực tế. "Tất nhiên có những cuộc tranh luận trong giới chuyên gia, nhưng trong lĩnh vực dịch tễ học, khoảng 95% chuyên gia nhất trí về một vấn đề còn 5% phản đối, nhưng trên truyền thông, điều này được trình bày thành 50:50 và sau đó, trên mạng xã hội nó có thể trở thành 20:80", ông nói thêm.
Người Czech có thể dễ tin vào các thuyết âm mưu hơn vì nước này đã trải qua làn sóng đầu tiên tương đối bình yên, nhờ quyết định sớm phong tỏa.
"Kết quả là một bộ phận lớn trong xã hội cảm thấy như không có chuyện gì xấu xảy ra và các biện pháp nghiêm ngặt là không cần thiết. Chính quyền và truyền thông không nhấn mạnh đủ rằng các biện pháp mạnh tay áp đặt sớm là nguyên nhân khiến họ không lâm vào thảm cảnh", Dzurova nói.
Trong lĩnh vực y tế công cộng, đây được gọi là nghịch lý của thành công. Khi các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, công chúng có thể đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa và tin rằng các biện pháp khắt khe là lãng phí thời gian.
"Mọi người nhìn vào hệ quả của các biện pháp chống dịch chứ không phải virus, vì vậy, nhiều người nghi ngờ về mức độ nghiêm trọng của Covid-19. Điều đó không diễn ra ở những nước đã ghi nhận hàng nghìn ca tử vong trong giai đoạn đầu", Kulveit nói.
Người Czech không phải là những người duy nhất trở thành nạn nhân của sự thành công, nhưng việc chính phủ không thể giải thích rõ ràng vấn đề đang khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Chính phủ đã phát động một chiến dịch tuyên truyền về Covid-19, nhưng nó chủ yếu tập trung vào các hạn chế chống dịch và gần đây là tiêm chủng.
Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Cộng hòa Czech một phần là do biến thể mới, dễ lây lan hơn từ Anh. Dzurova và Mad'ar cho biết đất nước đã không chú ý đầy đủ đến biến thể mới, không giải trình tự đủ mẫu để xác định mức độ lây lan của biến thể và tìm cách ngăn chặn nó lây lan ra toàn quốc. Đây là điều Anh đã xử lý thành công vào tháng một, bằng cách kết hợp phong tỏa nghiêm ngặt và tích cực giải trình tự virus. Vào thời điểm Cộng hòa Czech bắt đầu tích cực giải trình tự thì biến thể từ Anh đã lây lan rộng khắp.
"Các biện pháp được áp dụng hiện nay đủ mạnh để ngăn chặn các phiên bản ban đầu của nCoV, nhưng không phải là các biến thể mới, dễ lây nhiễm hơn", Kulveit cho biết. Ông, Dzurova và Mad'ar đều thúc giục chính phủ thắt chặt các hạn chế càng sớm càng tốt, để giảm mức độ lây nhiễm.
Tuần trước, Czech áp đặt hạn chế nhẹ nhàng hơn so với một số quốc gia khác, bao gồm Anh. Trừ lớp một và lớp hai, tất cả học sinh lớp khác học online. Hầu hết cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa và nhà hàng chỉ được bán đồ mang về.
Bắt đầu từ 1/3, các hạn chế được thắt chặt. Người dân không được phép rời khỏi nhà trừ mục đích thiết yếu và không được đi lại liên vùng, học sinh các lớp nhỏ nhất cũng chuyển sang học từ xa.
Nhưng theo các chuyên gia, chính phủ đang mắc sai lầm lớn khi từ chối đóng cửa nhà máy. "Biến thể mới đang thay đổi luật chơi. Các nhà máy vẫn mở cửa và mọi người đi làm bằng phương tiện công cộng, điều đó có thể khiến hệ thống y tế sụp đổ", Mad'ar nói.
Các công đoàn lớn của nước này cũng kêu gọi ngừng ngành sản xuất và chế tạo công nghiệp, nhưng chính phủ cho rằng động thái đó sẽ gây hệ quả kinh tế quá lớn. Ngành này chiếm khoảng 40% GDP của Cộng hòa Czech.
"Tôi sợ rằng phần lớn công chúng Czech vẫn chưa hiểu tình hình tồi tệ như thế nào. Điều thực sự kinh hoàng là một số người dường như chấp nhận việc chúng ta đang ghi nhận 100-150 người chết mỗi ngày. Họ không coi đó là điều đáng báo động, mà cho rằng đó là điều tự nhiên và không thể tránh khỏi, trong khi đây rõ ràng là thảm kịch", Dzurova nói.
Phương Vũ (Theo CNN)