Tại hội thảo về chất lượng giáo dục phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức ngày 22/9, nhiều nhà giáo dục chỉ ra những nghịch lý trong đào tạo và sử dụng giáo viên phổ thông ở Việt Nam.
Vai trò lớn nhưng vị thế thấp
Các chuyên gia đều cho rằng chất lượng đội ngũ giảng viên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, lương ít, không đảm bảo đời sống đã hạ thấp vị thế của nhà giáo và nghề dạy học. Hệ quả là nhiều giáo viên xin rời biên chế thời gian gần đây.
Theo khảo sát của một nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước, thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương của giáo viên thâm niên 13 năm là 3-3,5 triệu đồng một tháng. Giáo viên thâm niên hơn 25 năm là 4,1-4,7 triệu. Giáo viên mới ra trường ở cả ba cấp học nhận lương dưới hai triệu đồng một tháng.
Hiện chỉ khoảng 50% giáo viên các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên. Do đó, thu nhập từ lương và phụ cấp theo lương cho giáo viên phổ thông không đáp ứng được nhu cầu cơ bản về đời sống của họ và gia đình, nhất là ở vùng đô thị. Đây là lý do khiến khoảng 40% giáo viên không muốn làm nghề sư phạm nếu được chọn lại ngành nghề.
![nghich-ly-trong-dao-tao-va-su-dung-giao-vien-pho-thong](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/09/22/Hoang-Thi-Tuyet-3822-1506092529.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BtudDWMrXUeHb8xs0wRPeQ)
Bà Hoàng Thị Tuyết cho rằng chủ trương giáo viên tiểu học tốt nghiệp cử nhân hay thạc sĩ phải nhận mức lương trung cấp là bất hợp lý. Ảnh: Dương Tâm
Từng nhiều năm giảng dạy ngành Giáo dục tiểu học trong trường Sư phạm, bà Hoàng Thị Tuyết (Đại học Mở TP HCM) chia sẻ đã nhiều lần bật khóc cùng cựu sinh viên khi nghe tâm sự làm nhiều mà lương thấp vì không có thâm niên, muốn đi học lên cao hơn thì trở thành cái gai trong mắt đồng nghiệp.
“Đặc biệt khi năm ngoái, chủ trương giáo viên tiểu học dù tốt nghiệp cử nhân hay thạc sĩ đều phải nhận lương khởi điểm theo mức trung cấp hệ số 1,86 khiến nhiều thầy cô dạy công lập nuốt nước mắt. Như vậy, phải sáu năm sau, họ mới được nhận lương đúng với bậc học của mình. Điều này khiến tôi rất bức xúc”, bà Tuyết nói và cho rằng đây là yếu tố làm giảm động lực của giáo viên, đặc biệt là những người dạy giỏi.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), thắc mắc tại sao lương hưu của giáo viên ngoài công lập lại thấp hơn rất nhiều so với giáo viên công lập trong khi họ cống hiến như nhau và giáo viên ngoài công lập phải đóng bảo hiểm rất cao để được nhận chế độ khi về hưu.
Phần lớn giáo viên không có năng khiếu sư phạm
Ông Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, khẳng định đội ngũ giáo viên đã và đang giảng dạy chương trình phổ thông được đào tạo bài bản, có trình độ trên chuẩn. Nhưng dạy học là nghề vừa mang tính khoa học lại vừa đòi hỏi người dạy phải có nghệ thuật, năng khiếu trong giảng dạy.
“Thực tế, ít nhất 70% giáo viên không có năng khiếu sư phạm phải tham gia đứng lớp, giáo viên khá giỏi chỉ đạt 20% trong khi số lượng học sinh ngày càng lớn. Vì vậy, giáo dục phổ thông không thể nâng lên được mà chỉ dừng lại ở mức nào đó thôi”, ông Đình Anh khẳng định.
Ông Đình Anh chỉ ra một phần nguyên nhân của việc này là công tác tuyển dụng giáo viên còn quá nhiều tiêu cực khiến học sinh chán nản và không muốn nộp hồ sơ vào sư phạm.
Không có đại học chính quy đào tạo giáo viên THCS
Ông Ngô Gia Võ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học xã hội và nhân văn miền núi - Đại học Thái Nguyên, chỉ ra một thực tế "đáng buồn và đáng báo động" ở Việt Nam hiện nay là mã ngành đào tạo cử nhân sư phạm dạy THCS hệ chính quy không được mở trong hệ thống đại học sư phạm.
Ông Võ phân tích từ năm 1954 đến nay, giáo viên dạy bậc THPT luôn được tập trung đào tạo. Giáo viên mầm non và tiểu học có trình độ đại học bắt đầu được ngành giáo dục quan tâm từ những năm 1980 và hàng loạt đại học sư phạm đã mở hai mã ngành này, tạo thành hệ thống đào tạo giáo viên có trình độ đại học chính quy ở ba cấp mầm non, tiểu học và THPT. Trong khi đó, mã ngành đào tạo giáo viên THCS có trình độ đại học vẫn chưa được mở.
![nghich-ly-trong-dao-tao-va-su-dung-giao-vien-pho-thong-1](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/09/22/Ngo-Gia-Vo-8354-1506092529.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0r5WZen9x-SXXZTX6UJkZg)
Ông Ngô Gia Võ trăn trở về việc chưa có đại học chính quy nào đào tạo giáo viên THCS. Ảnh: Dương Tâm
Nhà giáo đến từ Thái Nguyên thông tin cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, Đại học Sư phạm Hà Nội I và một số trường từng mở khóa đào tạo giáo viên THCS trình độ đại học tập trung nhưng thuộc hệ chuyên tu hai năm dành cho giáo viên THCS. Tuy nhiên, hệ này nhanh chóng bị dừng lại.
Năm 2005, Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên bắt đầu mở mã ngành đào tạo giáo viên THCS có trình độ đại học hệ chính quy bốn năm, nhưng không hiểu vì sao đến năm 2011 thì bị dừng tuyển sinh và ba năm sau khoa Giáo dục THCS của trường chính thức giải thể.
Để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên THCS, Bộ Giáo dục đã cho phép các đại học sư phạm đào tạo hệ tại chức (vừa học vừa làm) và đa phần giáo viên THCS tốt nghiệp đại học từ hệ này. Đào tạo tại chức đã có thời gian diễn ra sôi động, thậm chí lấn át chính quy, nhưng theo ông Võ chất lượng rất thấp.
"Đây là điều cực kỳ khó hiểu khi ba cấp học còn lại có giáo viên tốt nghiệp đại học chính quy, được đào tạo bài bản còn giáo viên THCS thì không. Rõ ràng, Bộ Giáo dục chưa quan tâm đúng mức hệ này, để lại khoảng trống đáng ngạc nhiên trong hệ thống đào tạo giáo viên", ông Võ nhận định.
Đào tạo đơn môn, nhưng dạy học tích hợp
Trong tham luận gửi hội thảo, PGS.TS Trần Trung Ninh (Khoa Hóa học - Đại học Sư phạm Hà Nội) khẳng định việc đào tạo giáo viên phổ thông ở Việt Nam hiện nay là để dạy đơn môn.
Ông cùng đồng nghiệp đã gửi phiếu điều tra 100 giảng viên khoa Hóa học, Sinh học và Vật lý của một số trường đại học sư phạm. Phiếu điều tra được thiết kế dựa vào chuẩn đầu ra các trường sư phạm và dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông nhằm đánh giá thực trạng đào tạo giáo viên dạy học tích hợp.
Qua khảo sát, ông Ninh nhận thấy đa số giảng viên có hiểu biết cao về năng lực đặc thù ở môn học mà sinh viên của họ sẽ dạy tại trường phổ thông, hiểu lý do phải dạy tích hợp, nhưng lại không có hiểu biết cao về cách dạy và cách thiết kế một số chủ đề dạy học tích hợp để hình thành năng lực tương ứng ở học sinh.
Bên cạnh đó, hiểu biết về hình thức và cách đánh giá học sinh trong dạy tích hợp ở trường phổ thông và cách thiết kế chương trình dạy học tích hợp còn hạn chế.
"Theo lộ trình đổi mới giáo dục, đến năm 2019 giáo viên sẽ dạy môn học tích hợp khoa học tự nhiên, tuy nhiên họ chỉ được đào tạo dạy học đơn môn", ông Ninh chỉ ra bất cập trong đào tạo giáo viên phổ thông hiện nay.