Trung tâm Y tế Asan, một trong 5 bệnh viện lớn ở Seoul, đã quyết định cho các nhân viên nghỉ hưu tự nguyện từ 19/4. Nhóm này là nhân viên trên 50 tuổi, làm việc trên 20 năm tính đến cuối năm nay, bao gồm y tá, điều dưỡng, nhân viên kỹ thuật, vận hành...
Kể từ 7/3, y tá tại cơ sở này được phép hồi sức tim phổi và tiêm thuốc cho bệnh nhân nguy kịch, công việc vốn do bác sĩ nội trú đảm nhiệm. Đây cũng là lý do khiến khối lượng công việc của các nhân viên tại đây tăng lên nhiều lần. Tuy nhiên, do bệnh viện khó khăn tài chính, y tá và điều dưỡng có thể nghỉ không lương hoặc nghỉ hưu sớm.
"Chúng tôi cho phép các nhân viên nghỉ hưu tự nguyện bất cứ khi nào cần thiết, tùy thuộc vào tình hình hoạt động của bệnh viện. Chúng tôi từng thực hiện điều tương tự vào năm 2019 và 2020", một quan chức của Trung tâm Y tế Asan, cho biết.
Đây là bệnh viện lớn đầu tiên ở khu vực thủ đô Seoul nhận đơn xin nghỉ hưu tự nguyện của nhân viên y tế do số lượng bệnh nhân đến khám chữa suy giảm, kéo theo các hệ luỵ tài chính. Kể từ ngày 15/3, cơ sở này đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Park Seung-il, người đứng đầu Asan, cho biết bệnh viện đã lỗ ròng 51,1 tỷ won (38 triệu USD) trong 40 ngày, từ 20/2 đến 30/3. Chính phủ chỉ cung cấp 1,7 tỷ won trong khoảng thời gian đó.
"Giả sử tình hình tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, khoản lỗ sẽ rơi vào khoảng 460 tỷ won tính đến cuối năm nay", giám đốc Park dự đoán.
4 bệnh viện lớn khác ở Seoul cũng tuyên bố ở tình trạng khẩn cấp, khuyến khích nhân viên, kể cả y tá, nghỉ phép không lương nhằm nỗ lực cắt giảm chi phí. Một số nơi hoãn quá trình tuyển dụng y tá mới.
Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul (SNUH) tạm thời đóng cửa 10 trong số 60 khoa, bao gồm cả các khoa dành cho bệnh nhân cấp cứu và bệnh nhân ung thư. Một quan chức của SNUH cho biết quyết định này nhằm mục đích vận hành nguồn nhân lực hiệu quả và linh hoạt hơn.
Hệ quả khác của sóng đình công là công việc dồn vào những nhân viên y tế còn lại, khiến họ kiệt sức. Một bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Pusan được nghi đã qua đời vì tình trạng kiệt sức, gây thêm áp lực lên hệ thống y tế vốn đã choáng ngợp. Trước khi tử vong, bác sĩ nhiều lần phàn nàn về tình trạng mệt mỏi sau khi trực đêm và phẫu thuật khẩn cấp.
"Trpmg một tháng, các giáo sư tại các bệnh viện đại học đã phải đảm nhận những nhiệm vụ vốn thuộc nhiệm vụ của bác sĩ thực tập, đồng thời vẫn đảm bảo công việc riêng của họ", Oh Sae-ock, chuyên gia Hiệp hội Giáo sư Y khoa của Đại học Quốc gia Pusan, cho biết.
Cảnh sát cho biết sẽ liên hệ với trường đại học để kiểm tra xem liệu làm việc quá sức có liên quan đến cái chết của bác sĩ hay không.
Kể từ ngày 20/2, hơn 90% bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú của Hàn Quốc đã đình công, nhằm phản đối quyết định tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y của giới chức. Các trung tâm y tế lớn của Seoul, vốn phụ thuộc nhiều vào đội ngũ này, đã lâm vào khủng hoảng như tình trạng trên.
Ủng hộ học trò, một loạt giáo sư y khoa đồng thời là bác sĩ cấp cao, cũng tuyên bố nghỉ việc và giảm giờ làm từ 25/3. Cuộc khủng hoảng đến nay đã kéo dài 8 tuần, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Những người đình công cho rằng kế hoạch tăng số lượng sinh viên trường y này sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, cũng như ảnh hưởng đến thu nhập và địa vị xã hội của họ. Thay vì tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chính phủ nên giải quyết vấn đề thu nhập và điều kiện làm việc của nhân viên y tế hiện tại.
Các chuyên gia nhận định Hàn Quốc thường thiếu bác sĩ tại các chuyên ngành thiết yếu. Sinh viên y khoa ra trường có xu hướng ưu tiên chọn các ngành như da liễu và thẩm mỹ. Nếu tăng thêm chỉ tiêu, áp lực cạnh tranh ở các nhóm ngành nổi tiếng sẽ cao hơn, song các ngành thiết yếu vẫn chịu tình trạng thiếu bác sĩ.
Trong khi chính phủ nhận định việc tăng chỉ tiêu là cần thiết, nhằm ứng phó với tình trạng dân số già và tăng cường lực lượng y bác sĩ cho các nhóm ngành thiết yếu như nhi khoa, cấp cứu, phẫu thuật.
Đến năm 2035, 30% dân số của Hàn Quốc sẽ từ 65 tuổi trở lên. Thống kê của Công ty Bảo hiểm y tế quốc gia, nhu cầu nhập viện của người cao tuổi cao gấp 11 lần so với độ tuổi 30 và 40. Với 20% tổng số bác sĩ trên 70 tuổi, Hàn Quốc khó tránh khỏi tình trạng thiếu nhân lực y tế trầm trọng. Các cơ quan nghiên cứu dự đoán nước này sẽ thiếu ít nhất 10.000 bác sĩ vào năm 2035.
Thục Linh (Theo MK)