Người phụ nữ là mẹ của 5 đứa con, hoàn cảnh khó khăn và chồng đi làm xa. Con gái cô, 5 tuổi, thấy thương mẹ nên bí mật quay lại đoạn video để gửi cho bố.
"Bố ơi, bố có thấy không? Mẹ đang rải phân bón một mình, không ai giúp mẹ cả", cô bé nói. Người mẹ xúc động khi xem video nhưng cô tin người gánh vác khó khăn là chồng, lao động chính của gia đình. "Anh ấy vất vả hơn tôi ở nhà", cô nói.
Phản ứng của người vợ cho thấy một vấn đề lớn hơn: Nhiều người chưa xem việc nhà là lao động thực sự. Trong suy nghĩ của họ chỉ việc có lương mới là thước đo giá trị.
Quan niệm này làm tăng khoảng cách bất bình đẳng giới bất chấp xã hội hiện đại, làm việc nhà đã trở thành nghề chuyên môn với tên gọi "dịch vụ gia đình". "Nhưng làm việc nhà không có lương và chủ yếu do phụ nữ đảm nhận nên nhiều người xem nhẹ giá trị của nó", ông Zhang Tiankan, học giả nghiên cứu về bất bình đẳng lao động và giới, nói.
Mô hình gia đình ở Trung Quốc thường thấy người chồng đi làm, vợ ở nhà chăm con, lo cho người già và canh tác ruộng đồng. Công việc đồng áng nặng nhọc, phụ thuộc thời vụ, khiến phụ nữ phải lao động gấp đôi.
Dù ai cũng làm việc nhà, gánh nặng không chia đều. Những việc như nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp, chăm sóc gia đình tưởng đơn giản nhưng đòi hỏi cả thể chất lẫn tinh thần. Mỗi ngày, chúng tiêu tốn thời gian, công sức, cần kiên nhẫn và sức bền.
"Đây dạng lao động thực thụ nhưng chưa được công nhận đúng mức", ông Zhang nói.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc về Công việc chăm sóc cho thấy phụ nữ toàn cầu thực hiện 76,2% lao động gia đình không lương, gấp 3,2 lần nam giới. Ở Trung Quốc, con số này là 2,5 lần.
Lao động gia đình thường bị bỏ qua dù có giá trị thị trường rõ ràng. Ở các thành phố lớn ở Trung Quốc, lương theo giờ của người giúp việc gia đình vào khoảng 4 - 5,5 USD. Tuy nhiên, vì không tạo ra thu nhập trực tiếp, nhiều người vẫn coi nó vô nghĩa. Đây là lý do người mẹ ở tỉnh Hà Nam chỉ xem chồng là người duy nhất làm việc để nuôi gia đình.
Năm 2021, một tòa án ở Bắc Kinh phán quyết một người chồng phải bồi thường cho vợ 7.000 USD vì gánh vác toàn bộ việc nhà. Khoản này được tính dựa trên thời gian lao động. Ở Bắc Kinh, nam giới làm việc nhà trung bình 477 giờ mỗi năm, phụ nữ gần 800 giờ, nhưng người phụ nữ trong phiên tòa trên một mình gánh 1.277 giờ. Với mức lương tối thiểu năm 2020 là 1,75 USD mỗi giờ, bà đáng lẽ nhận ít nhất 6.700 USD sau ba năm hôn nhân. Nếu tính theo giá thị trường hiện tại của lao động gia đình là 4 USD mỗi giờ, con số này phải vượt 14.000 USD.
Phụ nữ Trung Quốc có tỷ lệ tham gia lao động 70% cao hơn với mức trung bình toàn cầu 48,5%. Dù làm việc gần ngang bằng nam giới, họ vẫn tốn thêm một giờ mỗi ngày cho việc nhà.
![[tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc vào ngày 11 tháng 02 năm 2025]](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/04/03/screen-shot-2025-04-02-at-10-4-7154-7345-1743685474.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IQiV7e6_ghv0gF_EOhmvPA)
Những bà mẹ sang đường cùng con ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, tháng 2/2025. Ảnh: Think China
Tuy nhiên, quan điểm xã hội về việc nhà đang dần thay đổi. Một cuộc khảo sát ở Bắc Kinh cho thấy ít nhất 73,7% người được hỏi tin rằng công việc nhà nên được chia sẻ công bằng giữa hai vợ chồng.
Nhưng cũng như sự bình đẳng tuyệt đối vẫn hiếm, đặc biệt là khi sự khác biệt giới tồn tại trong đời thực. Bản năng phụ nữ khiến họ dành nhiều thời gian hơn để nuôi dạy con cái và chăm sóc người già. Và càng lớn tuổi, phụ nữ Trung Quốc càng dành nhiều thời gian cho việc nhà.
Mỗi năm, thời gian phụ nữ làm việc nhà tăng thêm gần một phút. Hiện tại, phụ nữ độ tuổi 50-59 trung bình dành hơn ba giờ mỗi ngày cho công việc này trong khi những người trên 60 tuổi còn làm nhiều hơn.
"Lao động của họ cần được công nhận, tôn trọng và bù đắp xứng đáng, cả về vật chất lẫn tinh thần", ông Zhang Tiankan kết luận.
Ngọc Ngân (Theo Think China)