Trong đơn kêu cứu gửi VnExpress, lãnh đạo TP HCM và một số cơ quan, bà Son (70 tuổi) cho biết nhiều năm nay không thể về căn nhà đã mua 8 năm trước ở huyện Củ Chi.
Hồ sơ thể hiện, ngày 19/6/2017, bà Son ký hợp đồng với vợ chồng bà Phấn, 67 tuổi, về việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 780 m2 đất (có 35 m2 đất thổ cư) tại đường Nhuận Đức, huyện Củ Chi, với giá 960 triệu đồng. Bà Son đặt cọc 160 triệu đồng. Lúc này bà Phấn đang trong quá trình chờ cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo thỏa thuận, hai tháng sau nhận nhà đất và sau khi hoàn thành thủ tục sang tên, bên bán sẽ bàn giao giấy tờ cho bà Son.
10 ngày sau khi ký hợp đồng, bà Son thanh toán thêm 300 triệu đồng và thỏa thuận khi nào có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà thì sẽ trả phần tiền còn lại là 500 triệu đồng. Khi nhận đất, bà Son sửa chữa lại căn nhà cũ để ở và trả thêm cho bà Phấn 200 triệu đồng theo yêu cầu.

Nhà đất bà Son đã mua lại của bà Phấn 8 năm trước tại huyện Củ Chi, hiện không thể quay về vì có người chiếm ở. Ảnh: Lê Phương
Gian nan vì bị 'lật kèo'
Tháng 11/2017, bà Son biết bà Phấn đã nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới, nên đã nhiều lần liên hệ nhưng chủ đất vẫn không tách thửa sang tên cho bà. Đến tháng 3/2018, bà Son khởi kiện bà Phấn, yêu cầu tòa tuyên bị đơn phải tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký.
Quá trình thụ lý, tòa đã tạo điều kiện để hai bên đến Văn phòng Công chứng tiếp tục hoàn thành về mặt hình thức của hợp đồng nhưng phía bị đơn đã không đồng ý ký mà đòi thanh lý hợp đồng.
Trong đơn gửi tòa, bà Phấn xác nhận đã chuyển nhượng nhà đất nói trên cho bà Son. Tuy nhiên, bà này không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì cho rằng sau khi bán đất hai bên xảy ra xích mích, nên vợ chồng bà đã thông báo ngưng thực hiện và yêu cầu hủy hợp đồng với bà Son. Vợ chồng bà Phấn sẽ trả lại cho nguyên đơn số tiền đã nhận và chi phí sửa chữa nhà, tổng cộng 1,3 tỷ đồng.
Cũng là người mua một phần đất của bà Phấn, ông Cao Minh Tuyền được xác định là người liên quan - do ông và bà Phấn cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất bà Phấn bán cho các bên.
Trình bày với tòa, ông Tuyền cho biết, đất ông mua của bà Phấn có vị trí liền kề nhưng không liên quan đến phần đất các bên đang tranh chấp. Hiện ông giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Phấn, khi nào tách thửa phần đất mà ông đã mua thì ông sẽ trả lại cho bà Phấn bản chính giấy tờ và cam kết không mang giấy tờ đi cầm cố, thế chấp cho bất cứ ai.
Đầu năm 2019, TAND huyện Củ Chi đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Son, công nhận hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên. Theo tòa, hợp đồng chuyển nhượng các bên ký kết chưa hoàn thành về mặt hình thức (do chưa công chứng, chứng thực) nhưng đã phát sinh hiệu lực về mặt thực tế. Bởi bị đơn đã bàn giao nhà đất cho nguyên đơn và nhận một phần quyền lợi chính. Phía bà Son đã thực hiện được 2/3 nghĩa vụ chính (đã thanh toán giao 660/960 triệu đồng) - đây là căn cứ để tòa chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, theo quy định tại Điều 3, Điều 10 Bộ luật Dân sự 2015.
Từ đó, tòa tuyên, bà Son có nghĩa vụ thanh toán cho bà Phấn số tiền hơn 706 triệu đồng - là phần giá trị còn lại của hợp đồng, được tính theo giá đất tại thời điểm xét xử (đã tăng hơn gấp đôi). Nguyên đơn được liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với nhà đất đang tranh chấp.
Tòa cũng buộc ông Tuyền giao nộp bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà Phấn, giao cho cơ quan thi hành án có thẩm quyền để tổ chức thi hành.
Không đồng ý với bản án, phía bà Phấn kháng cáo. Bà Son cũng kháng cáo, chỉ chấp nhận thanh toán phần còn thiếu là 300 triệu đồng và tự nguyện hỗ trợ bị đơn 150 triệu đồng.
Cùng quan điểm với bà Son, VKSND huyện Củ Chi đã kháng nghị, đề nghị cấp phúc thẩm sửa một phần án sơ thẩm buộc nguyên đơn phải thanh toán số tiền còn lại theo giá trị tại thời điểm ký hợp đồng và ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn trả thêm cho bà Phấn tổng cộng 450 triệu đồng thay vì hơn 706 triệu.
Tháng 10/2019, TAND TP HCM xử phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo của bà Son và kháng nghị của VKS; tuyên buộc bà Son trả cho bà Phấn tổng cộng 450 triệu đồng.
Bản án có hiệu lực nhưng cơ quan chức năng 'không thể thi hành'
Chấp hành phán quyết của tòa, đầu năm 2020, bà Son đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bà Phấn số tiền 450 triệu đồng.
Chi cục thi hành án huyện Củ Chi đã đề nghị UBND huyện hỗ trợ giải quyết cấp giấy chứng nhận nhà đất cho bà Son theo bản án của tòa. UBND huyện Củ Chi sau đó đề nghị cơ quan thi hành án và các đương sự liên hệ với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện để được hướng dẫn xử lý; đồng thời đề nghị cơ quan này tiếp nhận hồ sơ của bà Son giải quyết theo thẩm quyền.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu của bà Son, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Củ Chi trả lời "việc cấp giấy chứng nhận cho bà Son còn liên quan đến việc cấp giấy của ông Tuyền". Do ông Tuyền đang đồng sử dụng với vợ chồng bà Phấn trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất "số CS06767" do Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cấp tháng 12/2018 (trong thời gian đang khởi kiện). Trong khi đó, bản án của tòa tuyên buộc ông Tuyền phải nộp lại bản chính giấy chứng nhận "số CI964303" cấp tháng 11/2017 (trước thời điểm khởi kiện) cho thi hành án để cấp tách sổ cho bà Son là không khớp nhau. Do đó, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Củ Chi đề nghị bà Son phải liên hệ với TAND TP HCM để được điều chỉnh bản án.
Chi cục Thi hành án huyện Củ Chi sau đó đã có công văn gửi VKSND và TAND Cấp cao tại TP HCM đề nghị giám đốc thẩm vụ án với lý do không thể thi hành bản án của TAND TP HCM.
Tuy nhiên, cả hai cơ quan này đều kết luận "không có cơ sở để giám đốc thẩm vụ án", bởi việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thẩm quyền của cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Quá trình xét xử TAND hai cấp đã không xác minh về việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng của bà Phấn là thiếu sót (cấp đổi trong thời gian đang tranh chấp). Tuy nhiên, ông Tuyền đã nộp lại bản chính giấy chứng nhận đã được cấp đổi để có cơ sở cho bà Son làm thủ tục cấp giấy chứng nhận theo quyết định của bản án là "phù hợp và vẫn thi hành được".
Sau khi các cơ quan tố tụng cấp cao trả lời, cuối năm 2021, Chi cục thi hành án Củ chi đã đề nghị bà Son liên hệ với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện để được làm thủ tục theo quy định.
Theo hướng dẫn của cơ quan thi hành án, bà Son gửi hồ sơ qua Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đề nghị được cấp giấy chứng nhận. Nhưng một lần nữa hồ sơ bị trả với lý do đây là "trường hợp tách thửa chuyển nhượng theo quyết định của TAND", và theo Quyết định 60/2017 (ngày 5/12/2017) của UBND TP HCM thì "đây là trường hợp tách thửa dưới chuẩn". Do đó, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tiếp tục đề nghị bà Son liên hệ với UBND huyện Củ Chi để được hướng dẫn xin văn bản tách thửa dưới chuẩn.
Đến cuối năm 2022, bà Son lại gửi đơn sang UBND huyện Củ Chi giải quyết về việc cấp giấy chứng nhận, song cơ quan này tiếp tục đề nghị bà liên hệ với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để giải quyết như công văn đã trả lời hồi năm 2020.
Dù các cơ quan tố tụng cấp cao đã giải thích bản án vẫn có thể thi hành vì việc cấp đổi, tách sổ thuộc thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai vẫn không thực hiện thủ tục với lý do "phần đất của bà Son mua nằm chung sổ với bà Phấn và ông Tuyền". Nay, giữa ông Tuyền bà bà Phấn tiếp tục phát sinh tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán đất bằng vụ kiện đang được TAND huyện Củ Chi thụ lý. Vì vậy, bà Son phải chờ kết quả của phiên tòa này (chưa biết khi nào kết thúc).
Hồi cuối năm ngoái, tòa triệu tập bà Son lấy ý kiến với tư cách người liên quan trong vụ tranh chấp của ông Tuyền với bà Phấn. Song, bà không có ý kiến gì vì không liên quan đến tranh chấp của họ.

Bà Nguyễn Hồng Son (giữa) được đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy đến thăm tại ngôi nhà giữa vườn cao su ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, dịp Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: Lê Phương.
Không thể vào nhà của mình
Bà Son kể, gần chục năm trước con trai bà bị tai nạn giao thông chết não. Bà đã quyết định hiến tạng con ở Bệnh viện Chợ Rẫy để cứu nhiều người, nhưng không ngờ lúc về quê bị mọi người đồn là "bán con". Quá đau lòng khi bị hàng xóm dị nghị, gièm pha, bà quyết định bán nhà, bỏ xứ lên Củ Chi sinh sống.
Bà Son cho biết, quá trình toà thụ lý vụ án và chờ đợi các cơ quan chức năng thi hành bản án, do phía gia đình bà Phấn thường xuyên qua lại gây gổ, bà buộc phải dọn đến nhà con ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, lánh tạm vì không thể quay về.
Cuối năm 2021, bà Son đã làm đơn tố cáo và cứu xét gửi Công an huyện Củ Chi về việc bị vợ chồng bà Phấn có hành vi chiếm giữ nhà đất bất hợp pháp. Tuy nhiên, cơ quan này trả lời không thuộc thẩm quyền xử lý vì Chi cục thi hành án Củ Chi đang giải quyết thi hành theo phán quyết của toà, nên đã chuyển đơn tố cáo đến cơ quan này.
"Suốt nhiều năm qua hồ sơ của tôi cứ bị các cơ quan chức năng đá qua đá lại. Có bao nhiêu tiền bạc tôi đã dồn hết vào mua căn nhà này nhưng bao năm nay không thể về ở", bà Son nói, thêm rằng trong số tiền 450 triệu đồng nộp cho cơ quan thi hành án để thanh toán tiền mua nhà đất cho bà Phấn thì có một phần Bệnh viện Chợ Rẫy (nơi nhận hiến tạng con bà) hỗ trợ.
TS.BS Dư Thị Ngọc Thu (Đơn vị Điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, cuối năm 2019 dẫn đoàn công tác đến thăm bà Son, tri ân gia đình người hiến tạng. Khi đang chuẩn bị thắp nhang thì có người phụ nữ xộc vào hăm dọa, cầm cây rượt đuổi đoàn ra ngoài và nói đây là nhà của mình, không ai được thắp nhang.
Lúc này, bà Son mới kể về việc bị điều tiếng sau khi hiến tạng con, phải bỏ quê lên Củ Chi mua nhà đất ở. Tưởng được yên thì xảy ra rắc rối với người bán đất. Sau khi tìm hiểu sự việc, đoàn công tác của bệnh viện đã chia sẻ câu chuyện và được nhà hảo tâm gửi tặng bà Son 200 triệu đồng để hỗ trợ nộp khoản tiền phải thi hành án.
Theo bác sĩ Thu, con trai bà Son là một trong những trường hợp hiến tạng đầu tiên ở phía Nam. Thời điểm đó bệnh viện chưa lập hệ thống điều phối, thiếu sót trong việc giữ liên lạc và hỗ trợ gia đình sau hiến tạng và đã không lường trước được những chuyện xảy ra sau hiến tạng.
"Vì hiến tạng con mà bà Son phải gánh chịu điều tiếng, bỏ xứ lưu lạc, khiến chúng tôi rất ray rứt. Chúng tôi mong các cơ quan ban ngành hỗ trợ giải quyết cho bà Son lấy lại được nhà, ổn định cuộc sống", bác sĩ Thu nói.
Hải Duyên - Lê Phương