Ở nước ta, vì coi trọng “cấp” hành chính của đề tài nên đã dẫn đến việc rẻ rúng những đề tài "cấp cơ sở". Có thể do nó không có giá trị ứng dụng theo quan niệm của một số nhà quản lý hoặc do được cấp kinh phí quá ít theo các nhà nghiên cứu.
Tại trường đại học, mỗi đề tài cấp cơ sở được cấp khoảng 3 - 5 triệu đồng. Còn ở các Bộ, một đề tài cơ sở thường được cấp khoảng từ 15 - 20 triệu đồng (vì Bộ “to” hơn trường về mặt hành chính). Từ đó đã dẫn đến hiện tượng là nhiều người chạy xô đi tìm kiếm các đề tài “cấp nhà nước” và khó tránh khỏi những hiện tượng tiêu cực: Một số người có quyền lực giành quyền làm chủ các chương trình, đề tài “cấp nhà nước”, số khác thì chạy chọt để ký hợp đồng thực hiện để có danh là “đề tài cấp nhà nước”.
Như vậy, chuẩn mực giá trị cho một công trình khoa học là ở “cấp” hành chính (nơi diễn ra hoạt động nghiên cứu) chứ không phải là chuẩn mực giá trị khoa học đích thực của bản thân đề tài. Đương nhiên, đề tài ở cấp hành chính càng cao, có thể tầm ảnh hưởng tới xã hội rộng lớn hơn khi được áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, giá trị khoa học của một kết quả nghiên cứu và ý nghĩa ứng dụng của đề tài là hai đại lượng không có “thứ nguyên” chung để so sánh. Chẳng hạn, chúng ta không thể tính toán được đề tài “cấp cá nhân” của George Boole (tác giả của đại số Boole) đã đóng vai trò quyết định như thế nào đến những chương trình “cấp bộ”, “cấp quốc gia” và thậm chí “cấp quốc tế” về công nghệ thông tin. Và trên thực tế, những công trình khoa học để lại dấu ấn từ đời này qua đời khác của những nhà khoa học lớn trên thế giới như Marx, Engels, Weber, Newton, Einstein, Galois, Mendeleev… không hề là những đề tài “cấp” Nhà nước, thậm chí cũng “chưa đạt” đến “trình độ” một đề tài "cấp cơ sở", mà 100% đều chỉ là những đề tài “cấp” cá nhân.
Nếu sử dụng những chuẩn mực giá trị đó của ta ra thế giới thì những kết quả nghiên cứu, sáng tạo của anh giáo làng Xioncopxki (nhà khoa học Nga) sẽ không thể xếp vào một thang bậc nào, bởi đó là một sáng kiến mò mẫm của cá nhân. Hay ngay cả Lobatchevski - người khởi xướng cơ sở hình học phi Euclide - cũng bị xem là một “thằng thần kinh” trong hơn nửa thế kỷ. Nhưng cuối cùng thì cái “thằng thần kinh” kia đã mở ra một cuộc cách mạng vĩ đại trong quan niệm về không gian. Và tiêu chí này còn không hẳn đúng với thực tế đời thường ở chỗ, không ai quan niệm xe đạp của một nhà máy “trung ương” quan trọng hơn xe đạp của nhà máy địa phương. Trái lại, nếu cho bất kỳ một người quản lý lẫn người sử dụng nào lựa chọn, thì chắc chắn chiếc xe đạp “cấp” tư nhân như Peugeot của Pháp sẽ được đánh giá ở thang bậc cao hơn nhiều so với xe đạp Phượng Hoàng “cấp” nhà nước của Trung Quốc.
Như vậy, một đề tài khoa học trước hết phải được xem xét về ý nghĩa khoa học. Tiếp đó, đối với những đề tài công nghệ, đương nhiên phải được xem xét thêm ý nghĩa kỹ thuật. Và đó là luận cứ khoa học của việc xoá bỏ quan niệm “cấp” đề tài xét từ “cấp hành chính” của cơ quan đặt hàng.
Lao Động, 22/12.