Google vừa công bố các con số liên quan đến thị phần của từng phiên bản hệ điều hành Android trên các smartphone, tablet hiện tại. Dữ liệu được thu thập và phân tích thông qua số thiết bị truy cập vào kho ứng dụng Play Store tính đến ngày 5/10.
So với tháng trước, nền tảng Android Lollipop (bao gồm cả bản 5.0 và 5.1) tăng nhẹ từ 21% lên 23,5%. Android 4.3 KitKat vẫn là phiên bản phổ biến nhất khi chiếm 38,9%, giảm nhẹ 0,3% so với tháng trước. Android Jelly Bean, tên gọi chung cho bản 4.1, 4.2, 4.3 vẫn đang chạy trên tổng cộng 30,2% thiết bị.
Android 2.2 Froyo rất cũ và không còn được Google hỗ trợ với hầu hết ứng dụng vẫn đang chiếm 0,2% thị phần. Mới hơn một chút là bản Gingerbread (từ 2.3.3 đến 2.3.7) chiếm 3,8% thị phần.
Giữa tháng 9, chỉ một ngày sau khi chính thức cho tải về iOS 9 mới, đã có tới 15% thiết bị của Apple cập nhật lên nền tảng này. Lý do là bởi hầu hết các sản phẩm của hãng đều được thông báo nâng cấp và quyết định có nâng cấp lên hay không phụ thuộc hoàn toàn vào người dùng.
Trong khi đó, việc nâng cấp lên phiên bản Android mới phần lớn phụ thuộc vào các nhà sản xuất và cả vùng lãnh thổ nơi bán ra máy đó. Do còn phải tùy biến giao diện, phát triển các tính năng riêng nên các hãng đưa ra bản cập nhật chậm hơn vài tháng. Các model thấp cấp thường có bản cập nhật muộn hơn. Nhà sản xuất cũng thường chỉ duy trì cập nhật trong hơn một năm.
Tuấn Hưng