Truyền thuốc xong các trẻ được rút kim, nằm nghỉ. Nghỉ một lát, chừng như hồi lại sức, chúng bắt đầu nô đùa. Sợ con mệt, nhiều bố mẹ dọa: "Không đùa nữa, kẻo mai bác sĩ không truyền thuốc cho đâu".
Lũ trẻ im bặt, trở về giường nằm yên. Tôi thấy cay cay ở mắt. Một điều dưỡng bảo tôi, bọn trẻ ở đây ngoan lắm. Chúng sợ hư thì không được truyền thuốc. Dù còn bé, đây đều là những đứa trẻ đã nằm viện đủ lâu để hiểu rằng cuộc sống của chúng phụ thuộc vào những chai thuốc truyền.
BHYT, dù bị kêu ca chuyện này chuyện kia, vẫn là chỗ dựa của rất nhiều người bệnh. Nhiều cán bộ hưu trí tâm sự với tôi rằng nếu không có thuốc BHYT họ đã không sống được đến bây giờ. Các cụ giữ gìn thẻ BHYT và quyển sổ khám bệnh như giữ một báu vật. Với những nhóm người bệnh đặc biệt khác như người phải chạy thận nhân tạo, mắc bệnh ung bướu, bệnh về máu..., BHYT là phao cứu sinh.
Ta hoàn toàn có thể hình dung ra, nếu hết thuốc BHYT, khung cảnh bệnh viện sẽ xao động như thế nào. Sẽ có đủ loại bức xúc mà nhân viên y tế phải chịu trận. Mà chuyện hết thuốc xảy ra khá thường xuyên, đặc biệt là vào cuối năm, khi thuốc dự trù năm nay đã hết, thuốc năm sau chưa có. Vấn đề này tại sao không thể khắc phục trong năm, mà cứ để lặp đi lặp lại?
Trong khi đó, BHYT bây giờ đã phủ hơn 90% dân số, thu trung bình hàng năm trên 100.000 tỷ đồng, chưa kể phần kết dư từ các năm trước. Thuốc thì các công ty dược cũng không thiếu, nếu cần có thể nhập về ngay.
Như vậy, nghịch lý là tiền không thiếu, thuốc cũng không thiếu, nhưng bệnh viện thì thiếu thuốc.
Nguyên nhân đã được mổ xẻ. Phần lớn là do thủ tục đấu thầu rườm rà, phức tạp, dễ phạm sai lầm. Chậm trễ trong đấu thầu dẫn đến thuốc trong gói cũ đã hết mà thuốc trong gói thầu mới thì chưa xong.
Bộ Y tế đã trình chính phủ nhiều giải pháp trong đấu thầu thuốc. Các động thái quyết liệt có thể thấy: Thông tư số 07/2024 đã tháo gỡ hầu hết bất cập trong đấu thầu thuốc. Tiếp theo, thông tư 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh vừa được ban hành.
Với tư cách là thầy thuốc đang khám chữa bệnh hàng ngày, tôi vui mừng trước những hành động khẩn trương của lãnh đạo ngành trong việc giải quyết nghịch lý: tiền có, thuốc có mà bệnh nhân không có thuốc dùng.
Tuy nhiên phải thẳng thắn thừa nhận những tháo gỡ này chỉ giải quyết một phần ách tắc, mà để thực hiện được các Thông tư trên thì cũng còn cả núi việc đang chờ. Trước hết xin nói về thông tư 22/2024 "Thanh toán trực tiếp tiền mua thuốc ngoài".
Đầu tiên, cần phải hiểu không phải bất kỳ loại thuốc mua ngoài nào cũng được lấy hóa đơn về cho BHYT thanh toán, mà phải là thuốc BHYT cần thiết cho điều trị bệnh, đang được dùng trong bệnh viện, nay vì lý do khách quan nào đó mà hết, bệnh viện cũng không có thuốc khác thay thế, tạm thời người bệnh phải tự bỏ tiền ra mua. BHYT sẽ thanh toán lại cho người bệnh số tiền đã tự mua đó.
Mới chỉ nói khái quát như vậy, cũng thấy ngay khối lượng công việc khổng lồ đang đợi nhân viên BHYT. Bệnh viện nhỏ mỗi ngày khám hàng trăm bệnh nhân, còn bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương là hàng nghìn, số đơn thuốc mua ngoài phải xử lý sẽ lớn đến đâu?
Tiếp đến phải xác minh bệnh có đúng là cần thuốc này, thuốc này có đúng là bệnh viện đã hết, và không có thuốc tương đương thay thế. Mỗi bệnh viện có một tình trạng thuốc men khác nhau, vậy lấy nhân lực đâu để xác minh tất cả từng đó đơn thuốc là hợp lý hay không. Tiếp theo phải xác minh các hóa đơn, xem giá thuốc có nằm trong khung giá hợp lý không. Khi tất cả đều hợp lệ, BHYT mới xuất tiền trả cho người bệnh.
Ta có thể hình dung ra áp lực mà ngành BHYT sẽ đối mặt khi Thông tư có hiệu lực. Nhân lực của BHYT sẽ phải tăng thêm bao nhiêu để giải quyết khối lượng công việc này. Sự liên kết các dữ liệu ngành y và BHYT sẽ giúp ích rất nhiều cho những việc trên, nhưng vẫn cần có nhân lực cụ thể cắm ở các bệnh viện để trực tiếp giải quyết.
Nhiều công việc của ngành y sẽ được chuyển sang cho BHYT. BHYT trước kia chỉ thanh toán một cục cho người đại diện là bệnh viện, thì nay phải thanh toán lắt nhắt cho từng khách hàng riêng lẻ.
Tại sao việc giải quyết một vấn đề cũ lại gây ra nhiều vấn đề mới như vậy? Ách tắc chính nằm ở đấu thầu thuốc. Mục đích của đấu thầu là rất tốt, để mua được hàng hóa với giá rẻ nhất, chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên với mặt hàng thuốc chữa bệnh, đấu thầu không phát huy được ưu điểm, mà lại gây ra vô số khó khăn, trở thành đòn đá tảng ngăn dòng chảy của thuốc và vật tư y tế từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng, là bệnh nhân.
Ngành dược từ lâu đã vận hành theo cơ chế thị trường đầy đủ, có một hệ thống nhà sản xuất và phân phối phong phú, liên thông chặt chẽ với thị trường thế giới. Các mặt hàng thuốc từ lâu đã hình thành mặt bằng giá chung cho toàn thị trường. Do vậy có đấu thầu hay không thì mỗi loại thuốc đều không thể cách quá xa mức giá chung.
Vì thế việc mỗi năm đều tổ chức đấu thầu lại những mặt hàng quen thuộc này là vô ích, vì không thể kéo giá thuốc xuống được. Mà mặt trái là tốn công sức tổ chức, chậm trễ cung ứng, dẫn tới thiếu thuốc. Nếu dùng mệnh lệnh hành chính ép các công ty dược giảm giá bán, nhiều công ty sẽ bỏ cuộc, vì họ hoạt động theo cơ chế thị trường, không thể bán lỗ. Tất nhiên một vài công ty lớn vẫn sẽ chấp nhận bán lỗ một thời gian để mở rộng thị trường.
Bệnh viện là những khách hàng lớn của các công ty dược. Mỗi bệnh viện lớn mỗi năm tiêu thụ hàng trăm tỷ tiền thuốc và vật tư y tế. Một cách rất tự nhiên, là khách hàng lớn, họ phải được hưởng chiết khấu trong giá mua vào. Số tiền này có thể nằm trong khoảng xám, tranh tối tranh sáng, nhẹ thì gọi là hoa hồng, nặng là tham nhũng.
Xã hội Việt Nam mấy chục năm qua chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng ngành y vẫn là một ốc đảo, loay hoay duy trì cơ chế bao cấp. Làn sóng kinh tế thị trường đã va đập làm cái ốc đảo bao cấp này vỡ từng mảng lớn, nhiều nhân viên y tế thân bại danh liệt trong lúc giao thời này. Tôi biết cuộc tranh luận "bao cấp" hay "thị trường" sẽ còn kéo dài, nhưng những vấn đề gì đã rõ thì nên giải quyết ngay.
Cụ thể trong việc cung ứng thuốc cho các bệnh viện, tôi và nhiều người quan tâm đề xuất là bỏ đấu thầu thuốc nhỏ lẻ tại từng bệnh viện. Tối ưu nhất là đấu thầu tập trung cấp quốc gia do Bộ Y tế hoặc cơ quan BHYT chủ trì, dựa vào mặt bằng giá chung của thị trường để đưa ra một bảng giá thuốc chung cho toàn quốc. BHYT sẽ thanh toán cho các bệnh viện bằng bảng giá này. Sau khi có một bảng giá thuốc chung này, các bệnh viện tự do đàm phán với nhà cung cấp để có giá tốt nhất. Trường hợp tệ nhất thì cũng mua được thuốc bằng với mức giá của BHYT thanh toán. Còn bệnh viện nào mua với số lượng lớn chắc chắn sẽ có mức giá thấp hơn mức giá mà BHYT thanh toán. Số tiền chênh lệch được hạch toán công khai và cho phép bệnh viện sử dụng vào việc chung để nâng cao chất lượng bệnh viện. Nếu làm được như vậy thì tôi tin mọi ách tắc về cung ứng thuốc cho bệnh viện sẽ biến mất.
Còn nếu cố duy trì những nguyên tắc đi ngược dòng chảy, chúng ta sẽ còn vất vả chống đỡ bằng nhiều thông tư, nghị định.
Trong khi đó, người bệnh vẫn mòn mỏi trông chờ thuốc.
Quan Thế Dân