Giống như nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ khác, việc buôn bán của bà Monic van der Krogt bị thiệt hại nặng nề do Covid-19. Quán cafe và vườn bia của bà ở thị trấn nhỏ Baarle-Hertog vắng tanh.
"Chưa bao giờ vắng lặng như thế. Chưa bao giờ", bà nói.
Tuy nhiên, câu chuyện của bà có điểm khác biệt. Trong khi thị trấn của bà nằm trên đất Bỉ, nó lại nằm giữa lãnh thổ Hà Lan. Chỉ đi bộ hai phút trên đường là bạn có thể đến Hà Lan, đi bộ thêm chút bạn quay lại Bỉ.
"Tình huống này thực sự điên rồ", bà Monic van der Krogt nói. "Tuy nhiên, bạn không thể thay đổi điều đó, vì phải tuân thủ các quy định và chấp nhận nó".
Baarle-Hertog là một vùng đất của Bỉ lọt thỏm bên trong Hà Lan và có một đường biên giới phân đôi vô cùng phức tạp với thị trấn Baarle-Nassau của Hà Lan.
Ranh giới độc đáo này có từ thời Trung Cổ, gần như không ảnh hưởng gì tới cuộc sống thường ngày ở đây. Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến chính phủ của hai nước châu Âu đóng cửa biên giới mở này và Bỉ, với số ca tử vong trên đầu người gấp đôi Hà Lan, đã áp lệnh phong toả nghiêm ngặt hơn.
"Tôi không được phép mở cửa", van der Kogt nói. "Nhưng cách 50 mét, ở phía bên kia, các quán cafe và nhà hàng sẽ mở cửa vào ngày đầu tiên của tháng 6. Tôi cũng không được phép tới đó, vì tôi đang sống ở Bỉ".
Dù các nhà hàng Hà Lan hiện vẫn đóng cửa, các cửa hàng bán lẻ vẫn mở suốt thời gian phong toả. Và trong khi các cửa hàng của Bỉ đã được phép tái hoạt động trong tuần này, người Bỉ vẫn bị cấm qua bên kia biên giới mua sắm, dù đó chỉ là bước qua một viên đá đánh dấu chữ thập để phân chia ranh giới.
"Trong tình hình khủng hoảng này, thị trưởng không phải là người có thẩm quyền", Marjon de Hoon-Veelenturf, một trong hai thị trưởng của Baarle, người Hà Lan, nói. "Chúng tôi phải tuân thủ luật pháp và quy định từ cả The Hague lẫn Brussels".
Người dân hai bên đã thảo luận với nhau xem nước nào đang áp dụng những biện pháp hợp lý hơn và điều đó đã tạo ra sự phân cực nhất định trong quan điểm.
"Mọi người rất sốc trước cuộc khủng hoảng Covid-19", thị trưởng người Bỉ Frans de Bont nói. "Về mặt cá nhân lẫn quốc gia và châu Âu. Tôi nghĩ họ đều bị sốc".
Baarle tất nhiên là một ví dụ cực đoan. Câu hỏi đặt ra với châu Âu là liệu cách tiếp cận mỗi nơi một kiểu, nước nào lo nước đó, có phải là dấu hiệu cho thấy sự mục nát ngày càng sâu sắc trong liên minh này hay không.
"Phản ứng ban đầu rõ ràng là phản ứng ở cấp quốc gia, hoàn toàn hỗn loạn và không có sự phối hợp, thưc sự không giống với những gì mà ta mong đợi ở một khu vực có biên giới mở, tự do đi lại được áp dụng từ năm 1995", Marie de Somer, nhà phân tích chính sách cấp cao ở Trung tâm Chính sách châu Âu, nhận định.
Trong một báo cáo chính sách nhằm vạch ra kế hoạch tái mở cửa khu vực tự do đi lại Schengen, Uỷ ban châu Âu hôm 13/5 cho hay việc kiểm soát biên giới nội bộ "đã gây tổn hại cho lối sống của người châu Âu chúng ta". Cơ quan này cảnh báo rằng nếu biên giới các nước vẫn đóng cửa "vượt quá những gì cần thiết vì lý do sức khỏe cộng đồng", điều này sẽ "tạo ra một gánh nặng không chỉ lên chức năng của Thị trường Đơn nhất, mà còn cả đời sống của hàng triệu công dân Liên minh châu Âu, họ bị tước đi lợi ích tự do đi lại, vốn là một thành tựu quan trọng của EU".
Đây không phải là lần đầu tiên EU phản ứng trước việc các chính phủ từ bỏ Schengen. Vài năm nay, các quốc gia, trong đó có Đức, đã áp đặt một số biện pháp kiểm soát biên giới, nhằm hạn chế dòng người nhập cư trái phép bên trong EU. Tuy nhiên, quy mô đóng cửa biên giới khi Covid-19 xảy ra là chưa có tiền lệ, Ian Lesser, phó chủ tịch Quỹ Marshall Đức tại Brussels, cho hay.
"Tất nhiên, kiểu tiếp cận đặt quốc gia thành viên lên trên hết này có nguy cơ trở thành tiêu chuẩn, được đưa vào chính sách và chính trị", ông nói.
Ông thêm rằng vì những lợi ích kinh tế của biên giới mở, việc kiểm soát biên giới sẽ không thể kéo dài mà chỉ "củng cố thêm giá trị của việc có những biên giới mở trong khu vực Schengen".
Hiện nay, các con đường địa phương từ Baarle băng qua biên giới Bỉ - Hà Lan vẫn bị chắn bằng các khối bêtông. Người dân địa phương cho hay họ có thể tìm những con đường thôn quê nhỏ hơn để lách luật, nhưng tính biểu tượng của hàng rào chia cắt hai quốc gia rất rõ ràng.
Ông Julien Leemans, 63 tuổi, đang bình tĩnh chấp nhận tình cảnh trớ trêu này, bởi đường biên giới Bỉ - Hà Lan chạy thẳng qua nhà ông.
"90% nhà tôi thuộc Hà Lan", ông cười. "10%, chỉ có toilet, là của Bỉ".
Tuy nhiên, cửa trước nhà ông thuộc Bỉ nên ông sống ở Bỉ và không thể mua đồ ở các cửa hiệu Hà Lan, dù ông sinh ra và lớn lên ở Hà Lan.
"Các bạn có thể thấy sự khác biệt giữa các nước về tình hình Covid-19, Bỉ, Hà Lan, Đức, Anh, tất cả đều khác. Châu Âu ư?", ông cười. "Đó là cái gì?".
Anh Ngọc (Theo CNN)