Trong tình huống gửi về VnExpress, chị Thanh Xuân cho hay chi phí điều trị cho chồng, sau nhiều tháng đã lên tới 130 triệu đồng, sức khoẻ anh ảnh hưởng. Song đến nay, gia đình chị vẫn chưa nhận được bồi thường từ pháp nhân, đơn vị nào. Ban quản lý chung cư "đẩy" trách nhiệm cho đơn vị lắp đặt, bảo trì.
Theo chị Xuân, cư dân đóng nhiều loại phí cho ban quản lý nên họ phải bồi thường khi có sự cố.
Trong 3.336 độc giả tham gia thăm dò trên VnExpress, 47% (1.556 người) cho rằng nghĩa vụ bồi thường thuộc về Ban quản lý chung cư; 42% cho rằng trách nhiệm này của cả Ban quản lý và phía lắp đặt bảo trì thang máy.
Ngoài ra, độc giả cũng lưu ý, dù yêu cầu ai bồi thường, chị Xuân cũng cần thu thập đủ chứng cứ để cơ quan tiếp nhận đơn thư của bạn có cơ sở xem xét. Theo độc giả thanhquyenxd, các tài liệu kèm theo đơn có thể gồm:
1. Giám định tỷ lệ thương tật do cơ sở y tế có uy tín xác nhận;
2. Hồ sơ chứng minh bạn là cư dân đang tạm trú/ thường trú
3. Các phiếu đóng tiền phí quản lý chung cư, phí hạ tầng
4. Hồ sơ xác định tổn thất do thu nhập bị ảnh hưởng (ví dụ: đang đi làm 10 triệu đồng/tháng, nghỉ làm 3 tháng mất 30 triệu đồng)
5. Hồ sơ chứng minh người bị nạn là lao động chính trong gia đình (nếu có)
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An, Hà Nội) cho hay, tình huống tai nạn rơi thang máy dẫn đến tổn hại sức khoẻ cho chồng chị Xuân được xem xét trong Điều 605 Bộ luật Dân sự, quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra.
Theo đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng... phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng đó gây thiệt hại cho người khác.
Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại, họ cũng phải liên đới bồi thường.
Với quy định nói trên, để xác định tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm bồi thường cho chồng chị Xuân, luật sư cho rằng cần làm rõ ai là chủ sở hữu, ai là người được giao quản lý, vận hành, lỗi của mỗi chủ thể đối với thiệt hại đã xảy ra. "Về nguyên tắc ai có lỗi thì phải bồi thường", luật sư Vinh nhận định.
Trong tai nạn này, các chủ thể dưới đây có thể phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm bồi thường:
Thứ nhất, chủ sở hữu (chủ đầu tư) công trình.
Chủ sở hữu có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu thang máy thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư (thường là khi chung cư không thuộc diện bắt buộc phải thành lập ban quản trị nhà chung cư hoặc có ban quản trị nhưng ban quản trị thành lập tự phát, không theo quy định của pháp luật)
Thứ hai, ban quản trị nhà chung cư.
Theo Điều 103 Luật Nhà ở, với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu mà có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập ban quản trị nhà chung cư.
Ban quản trị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được tổ chức và hoạt động theo mô hình Hội đồng quản trị của công ty cổ phần hoặc mô hình Ban chủ nhiệm của hợp tác xã, có tư cách pháp nhân, có con dấu và thực hiện các quyền, trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 104 của Luật này.
Theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD (đã được sửa đổi, bổ sung), ban quản trị nhà chung cư có kinh phí hoạt động do chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đóng góp hàng năm trên cơ sở quyết định của hội nghị nhà chung cư; kinh phí này được ghi rõ trong quy chế hoạt động của Ban quản trị và được quản lý thông qua một tài khoản hoạt động của Ban quản trị... (khoản 6 Điều 17).
Như vậy, ban quản trị là một pháp nhân, với tư cách là người được giao quản lý công trình xây dựng đồng thời được giao quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, bảo dưỡng mà chủ đầu tư và cư dân đã đóng góp mà để công trình xây dựng hư hỏng, gây thiệt hại cho người khác thì ban quản trị phải bồi thường.
Thứ ba, đơn vị thi công, bảo dưỡng công trình xây dựng.
Theo điểm đ khoản 1 Điều 104 Luật Nhà ở, ban quản trị nhà chung cư có quyền ký kết hợp đồng với đơn vị có năng lực bảo trì nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư và giám sát hoạt động bảo trì.
Việc bảo trì phần sở hữu chung có thể do đơn vị đang quản lý vận hành nhà chung cư hoặc đơn vị khác có năng lực bảo trì theo quy định của pháp luật về xây dựng thực hiện.
Trường hợp này, nếu đơn vị bảo trì có lỗi trong việc thang máy hư hỏng thì đơn vị bảo trì phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại.
Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, luật sư Vinh khuyên chị Xuân có thể cân nhắc khởi kiện ban quản trị chung cư hoặc chủ sở hữu công trình xây dựng (nếu ban quản trị chung cư không được thành lập theo đúng quy định của pháp luật) tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Chị Xuân cần cung cấp cho tòa án các tài liệu, chứng cứ với các thiệt hại đã xảy ra. Sau khi thụ lý, tòa án sẽ tiến hành xác minh, làm rõ trách nhiệm bồi thường của các chủ thể có liên quan.
Hải Thư