Tiểu thuyết được tác giả hoàn thiện sau bốn năm, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành hôm 6/4. Dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), cuốn sách là lời tri ân những hy sinh của thế hệ đi trước vì hòa bình, độc lập dân tộc. Cảm hứng thôi thúc bà viết tiểu thuyết là chuyện đời ông Trương Xuân Thanh (sau này là phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), người mang nhiều tâm sự khi ba tuổi đã phải đến trại Nhi đồng để cha mẹ ra Bắc tập kết hoạt động cách mạng.

Bìa "Báu vật trời Nam - bên kia thế giới" do họa sĩ Mạc Phương, con gái nhà văn thiết kế. Ảnh: Khánh Linh
Cốt truyện dựa trên một sự kiện có thật vào năm 1983, hai người nước ngoài vượt biển vào Việt Nam để tìm kiếm kho báu trên đảo Hòn Tre. 15 chương sách có thể được chia làm ba phần - quá trình chuẩn bị, trong và sau khi hai nhân vật ngoại quốc Robert Blair cùng Mike Koch đi tìm kho báu của gia tộc Blair. Đó thực chất là chuyến đi khám phá "báu vật tinh thần" - tâm hồn và phẩm cách tốt đẹp của người Việt trong thời hậu chiến nhiều biến động, thách thức: Cuộc sống đói nghèo, vấn đề di tản, những gia đình không còn vẹn nguyên. Họ giàu lòng yêu nước, lòng bao dung và niềm tin vào những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
Nhà văn không né tránh bi kịch đời tư của người lính hậu chiến. Nhân vật ông Ba là hiện thân cho người cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Dù chiến thắng trở về, gia đình ông không còn như xưa: Vợ mất, con trai cự tuyệt, chỉ xem trọng cha dượng - một sĩ quan chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã chết trên biển. Tuy vậy, người lính ấy vẫn luôn chờ đợi ngày "hai trái tim bố con ta hòa chung một nhịp đập phụ tử". Hay như Đại tá Trần Hạnh, bố liệt sĩ Trần Hòa Bình, nhường chiếc tiểu sành duy nhất cho người lính bên đối nghịch đã nằm cùng con mình suốt hàng chục năm.
Sự mất mát, nỗi đau khiến các nhân vật như ông Ba, Đại tá Trần Hạnh tha thứ, thấu hiểu người từng bên kia chiến tuyến. Điều này minh chứng cho tinh thần hòa hợp - thông điệp nhà văn gửi gắm xuyên suốt tác phẩm. Tác giả tin vào sự kết nối giữa những con người chung dòng máu, quê hương. Vì thế, chương 15 - Phần Vĩ thanh - khép lại có hậu. Nhân vật Cát Bình, con trai ông Ba, lần đầu gọi điện về và cất tiếng "Ba...ơi!". Đó là "một tiếng gọi ông mong chờ suốt cả một đời nung nấu", đưa Cát Bình trở về với cội nguồn.
Ngoài ra, nhà văn còn khắc họa hình ảnh con người Việt Nam với phẩm chất như hồn hậu, nhiệt tình. Robert và Mike bất ngờ trước sự hào phóng của người Việt khi suất ăn cho tù nhân nhiều hơn của bộ đội, ''lại còn có cả món thịt gà''. Cả hai đều xúc động trước sự nhiệt tình của cô Út, người đã đưa họ đi khám phá Sài Gòn. Sự chân thành ấy khiến Robert cảm thán với một vị tướng người Việt: ''Tuy chúng cháu chưa tìm được kho báu ấy, chúng cháu vẫn luôn cảm thấy may mắn khi được đặt chân lên đất nước Việt Nam này. Ở nơi này có những câu chuyện thật phi thường, cùng những con người thật phi thường. Chắc đây mới thực sự là một kho báu dành cho chúng cháu''.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Nho: "Tinh thần hòa giải, hòa hợp, khép lại quá khứ không chỉ của người Việt với người Việt, mà cả người Việt với người Mỹ được thể hiện thuyết phục".
Cách tổ chức truyện lồng truyện, tiểu thuyết lồng tiểu thuyết mở ra cho người đọc không gian để khám phá, suy tư. Yếu tố kỳ ảo đậm màu sắc văn hóa phương Đông - thế mạnh của nhà văn - được đan xen với hiện thực. Những chi tiết như bông hoa tím lạ, ''rồng bốn cổ ba đầu'', tiếng tù và mở ra một "thế giới bên kia" - thế giới của chiều sâu tâm linh.

Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư phát biểu tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Hoàng Hoàng
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh nhận xét: "Tác phẩm sẽ hoàn thiện thêm nếu nhà văn khắc họa đậm nét hơn nữa hình ảnh người lính hậu chiến nhân hậu, bản lĩnh, đúng tầm vóc bộ đội cụ Hồ, thực sự tạo ra đối trọng với các nhân vật kinh điển bị chiến tranh đẩy vào 'kiếp phi nhân' như Kiên (Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh), Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng - Chu Lai)".
Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư, 66 tuổi, nguyên là phó tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Bà đã xuất bản tám tập truyện ngắn, hai tập truyện ngắn thiếu nhi, năm tiểu thuyết. Ngoài ra tác giả còn viết kịch bản phim điện ảnh, truyền hình. Nhà văn nhận hai giải thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1985 và 1987), hai giải của Đài Tiếng nói Việt Nam (năm 2002 và 2003), một giải do báo Phụ nữ Thủ đô trao tặng năm 2010, hai giải thưởng của Bộ Công an năm 2022.
Khánh Linh