Thấu hiểu điều này, cô giáo Nguyễn Thị Kim Lan (trường THCS Phú Thịnh, Tân Phú, Đồng Nai) nhà ở cạnh trường thương tình đùm bọc vài em nhịn đói về nhà dùng ăn trưa. Sau đó, vào 3 ngày trong tuần (có số HS đi học 2 buổi nhiều nhất), cô Lan tranh thủ sau giờ dạy nhanh chóng về nhà tất bật với bữa cơm gia đình và bữa mì với rau xanh cho các em. Cô tâm sự: “Các em đều nghèo. Tôi cũng muốn có bữa cơm hoàn chỉnh cho các em, nhưng số lượng học sinh nhiều không thể lo hết”.
Có mặt ở nhà cô lúc 11h45. Hai cái bàn lớn đặt bên hông nhà để các em ngồi ăn tô mì nóng hổi, không đủ chỗ có em còn lên trước hiên cho rộng rãi. Nhìn các em nuốt ngon lành chùm sợi mì, lòng tôi bỗng thắt lại, thúc giục cuộc hành trình tìm hiểu.
Có chứng kiến, có đi thực tế mới cảm nhận được, tôi mới dám tin vào nỗi đau thiếu thốn, nghèo khổ hiện diện giữa cuộc sống hiện đại là cùng cực như thế nào.
Hoàn cảnh em Mã Ánh Tuyết, học sinh lớp 6.1, cư ngụ ấp 3 Phú Thịnh, nhà không đất canh tác, ba mẹ em phải đi làm mướn cả ngày. Tuyết sau giờ học phụ làm việc nhà và chăm sóc cậu em nhỏ 5 tuổi. Căn nhà ở trên mảnh đất thuê. Một bên vách lá, bên phủ bạt, tấm vách sát cửa trước bằng liếp rách gần nửa. Tuyết mắc bệnh mắt bẩm sinh, cái màng đục đã khiến mắt trái gần mờ hẳn, mắt phải đang mờ dần. Mỗi lần đọc sách, phải cúi thật sát. Dù ngồi bàn đầu, Tuyết phải nhờ vả các bạn bên cạnh đọc hộ em mới hoàn thành phần ghi chép.
Một lần, nhờ tấm lòng của một ông nhà xe lo toàn bộ chi phí cho việc khám tại bệnh viện Mắt TP HCM. Thế nhưng các bác sĩ không thể tiến hành phẫu thuật vì đã quá muộn. Giờ đây, vừa nghèo vừa kém may mắn và không biết con đường đến trường liệu có còn sáng lạn với em?. “Đợt rồi nhà có trồng ớt, mưa trái mùa làm ớt thối hết giờ chỉ trông chờ vào tiền làm mướn của hai vợ chồng qua bữa hàng ngày. Tôi chỉ mong mắt con Tuyết đừng tối hẳn”, anh Mã Hoài Trung, cha Tuyết nghẹn ngào.
Theo chân em Nguyễn Thị Ngọc Hà, học sinh lớp 7.1, nhà cũng ngụ tại ấp 3, nơi em ở gần bến phà Năm Bửu nên con đường xa xôi hơn những học sinh khác cùng ấp. Mỗi sáng lúc 5h30, Hà rời khỏi ngôi nhà nửa vách liếp, nửa bạt đã rách để kịp giờ học. Bà Nguyễn Thị Thạch (71tuổi) tâm sự: “Nhà thường xuyên ngập nước vào mùa mưa, cái gác tre là để ứng phó với những trận lụt như vậy. Cha con Hà là út nên phải nuôi tôi, vợ và 3 con nhỏ. Biết nhà mình nghèo, tôi già yếu nhưng sẽ gắng làm không để con Hà thất học”. Ngoài ngày chủ nhật, có lần Hà phải nghỉ học để ra chợ phụ mẹ bán mấy con cá mà tối qua cha bắt được ngoài mương. Ấy vậy mà 6 năm liền em vẫn đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Rời khỏi ấp 3, phía bên kia đường liên xã Tà Lài, tôi có mặt tại nhà em Hùng HS lớp 6.3, ngụ tại ấp 8. Cũng căn nhà vách liếp, cha em một mình nuôi 3 con nhỏ, chị Hùng đã nghỉ học hơn 1 năm để phụ cha chăm lo bé út 3 tuổi. Ngày ngày vượt con đường sình lầy đến trường, chiếc xe đạp bánh trước đã mất dè như nặng nề hơn bởi nỗi lo chủ mình chẳng còn được đến lớp. Được biết có hôm Hùng phải đi chân đất đi học vì không có tiền mua dép.
Cạnh nhà Hùng là nhà em Nhựt học cùng lớp. Hoàn cảnh khó khăn chất chồng lên đôi vai bà ngoại Nhựt. Mẹ đã rời bỏ khi em còn đỏ hỏn. Thiếu sữa, thiếu chất, nên em gầy gò xanh xao. Nhiều năm trời nuôi cháu đã vậy, Nhựt còn mắc chứng bệnh xỉu bất thường, hành vi đôi lúc mất kiểm soát. Mắt ngấn lệ. Bà sẻ chia: “Bốn năm trước, tôi bị gãy tay nên công việc nặng đã không thể làm, thế nên tôi nhận hột điều về cạo, mỗi tuần được 75.000 đồng, bà cháu rau cháo nuôi nhau. Sống trong căn nhà phủ bạt như thế nhưng vẫn chưa được xếp vào diện hộ nghèo”.
Và còn những hoàn cảnh khác, như em Phúc học lớp 8.3 - nhà ở ấp 5, lúc 2h sáng mỗi ngày em phải phụ mẹ ra đồng soi cua kiếm sống. Em Hậu lớp 7.1, nhà không đất canh tác, cha mẹ phải đi làm mướn nuôi con...
Không chỉ gói mì, cô Lan cùng giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng nhiều lần cho tiền, sách vở, quần áo và động viên các em đến lớp. Bữa mì trưa quả đáng giá hơn bất kỳ món sơn hào hải vị nào. Chính công việc ấy đã góp phần làm giảm đôi phần tình trạng học sinh bỏ học ở địa phương vì không có tiền ăn học.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014. |
Nguyễn Trường Giang