Thứ bảy, 26/10/2024
Thứ sáu, 31/7/2015, 05:30 (GMT+7)

Nghĩa địa máy bay dưới đáy đại dương

Những chiến đấu cơ từng gầm rú trên bầu trời hồi Thế chiến II, nay nằm im lìm dưới đáy đại dương, có chiếc vẫn giữ nguyên tư thế lao xuống thẳng đứng.

Bộ ảnh về nghĩa địa máy bay Thế chiến II được nhiếp ảnh gia Brandi Mueller chụp ở độ sâu tới gần 40 m, ngoài khơi quốc đảo Marshall ở Thái Bình Dương. 

Nhiếp ảnh gia 31 tuổi cũng là một nhân viên tuần duyên. Cô đã chụp ảnh xác những chiếc máy bay khi lặn xuống đáy biển cách hòn đảo Roi-Namur của quốc đảo Marshall 5 hải lý.

Những chiếc máy bay bị đánh đắm từ các tàu sân bay và tàu vận tải, sau khi chiến dịch Thái Bình Dương của Mỹ kết thúc thắng lợi vào tháng 8/1945. 

Sau hơn 7 thập kỷ nằm dưới biển, 150 chiến đấu cơ, từng chiến đấu chống phát xít Nhật của quân Đồng minh, bị bao phủ dày đặc bởi cá và san hô. 

"Với tôi, lặn ở những chiếc máy bay, nhất là máy bay Thế chiến II, thực sự đặc biệt. Lặn ở những xác tàu dường như đã quá bình thường, nhưng ngắm nhìn những chiếc máy bay ở dưới nước thì thật kỳ lạ", Mueller nói. "Chúng không thuộc về biển cả, chúng thuộc về bầu trời".

Trong số các phi cơ này có máy bay ném bom Douglas SBD Dauntless, F4U Corsair, TBF/TBM Avengers, Helldivers, B-25 Mitchell, Curtiss C-46 Commando và F4F Wildcats. 

Những chiến đấu cơ từng ngang dọc bầu trời, nay yên nghỉ trong lòng đại dương.
 

Có chiếc thậm chí vẫn giữ nguyên tư thế chúi đầu khi chìm xuống biển.

Muller cho rằng chính vì các máy bay không chìm trong lúc chiến đấu nên chúng càng trở nên đặc biệt. "Chúng nhẽ ra đã có thể bay tiếp, tồn tại lâu hơn nhưng chúng đã bị đánh chìm trong tình trạng hoàn hảo", cô nói.

Gần 50.000 thành viên của lực lượng vũ trang Mỹ đã tham gia vào cuộc chiến giành quần đảo Marshall từ tay Nhật Bản, để từ đó tấn công đảo Guam và cuối cùng là phần lục địa của Nhật Bản. 

Nhiếp ảnh gia Mueller và đồ nghề của mình. 

Anh Ngọc (Ảnh: Telegraph)