Tuy nhiên, hợp đồng lao động có thời hạn 24 tháng giữa tôi và công ty sẽ hết hạn vào ngày 6/11 tới đây. Tôi mới nhận được thông báo từ phía công ty là không tái ký hợp đồng, do đó tôi buộc phải nghỉ việc.
Theo khoản 1 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019, thời gian nghỉ trước khi sinh của lao động nữ là không quá 2 tháng. Vậy trong trường hợp của tôi, buộc phải nghỉ việc trước khi sinh quá 2 tháng (cụ thể là khoảng 3 tháng) thì tôi có được hưởng chế độ thai sản khi sinh con hay không?
Độc giả Thanh Tâm
Luật sư tư vấn:
Theo khoản 1 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 2 tháng.
Quy định này hài hòa lợi ích của các bên, nhằm để lao động nữ được nghỉ thai sản sau khi sinh ít nhất 4 tháng nhằm bảo đảm có sức khỏe tốt khi quay trở lại làm việc; vừa tốt cho lao động nữ lẫn người sử dụng lao động; nếu nghỉ quá sớm trước khi sinh thì thời gian nghỉ sau khi sinh ít lại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của lao động nữ và chất lượng công việc.
Trường hợp của bạn là nghỉ việc do hết hạn hợp đồng lao động mà không được người sử dụng lao động tái ký hợp đồng mới nên "không bị ràng buộc" bởi quy định nêu trên.
Căn cứ khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Do đó, nếu bạn đáp ứng đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định nêu trên thì sẽ được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản là 6 tháng, mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Đồng thời, theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con (hiện nay 2 lần mức lương cơ sở là 4.680.000 đồng).
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM