Ông Đào Văn Quảng, chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc Công ty Cổ phần đóng tàu thủy sản Hải Phòng cho biết, ngày 7/10, cơ quan thực thi pháp luật hàng hải Malaysia đã điều máy bay trực thăng quần thảo, rà soát tại tọa độ tàu Sunrise 689 bị mất liên lạc nhưng không phát hiện ra. Trên biển không có dấu hiệu của vết dầu loang. "Điều này cho thấy, khả năng tàu bị đắm, bị chìm là không thể", ông Quảng nói.
Theo lịch trình báo về, lúc 1h30 ngày 2/10 tàu đã ăn hàng xong tại cảng Horizon, Singapore. Đến 15h, hoa tiêu lên tàu chuẩn bị cho việc rời bến nhưng trục trặc về hàng hóa nên một giờ sau cơ quan chức năng nước này mới ký lệnh cho tàu chạy.
18h20 ngày 2/10, đại lý của Công ty đặt tại Singapore báo về, hoa tiêu đã lên tàu. Đến 18h47 tàu ra hải phận quốc tế, hoa tiêu rời tàu về cảng, còn con tàu thực hiện hải trình hướng về bến phao xăng dầu Hưng Phát (Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) trả hàng.
Theo kế hoạch, trưa hôm sau (tức 3/10) thuyền trưởng phải gửi thông báo về tốc độ, hành trình, tọa độ của tàu qua hệ thống Inmarsat C. Tuy nhiên, công ty đã không nhận được bất kỳ thông tin nào nên tìm mọi cách liên lạc nhưng không thành. Thấy dấu hiệu bất thường, Ban lãnh đạo công ty đã liên tục gửi điện và liên lạc qua Đài Duyên hải bằng hệ thống trực canh DSC nhưng không có tín hiệu xác báo.
Theo ông Quảng, nhiều khả năng sau khi tàu Sunrise 689 rời khỏi Singapore đã bị cướp biển khống chế, bắt tắt hết thiết bị liên lạc. Lý do ông đưa ra giả thiết này bởi ngày 6/10, cơ quan hàng hải của Singapore cho biết tàu Sunrise 689 bị mất liên lạc ở vị trí 2 độ 57 phút 07N - 105 độ 24 phút 10E, cách Singapore 115 hải lý, cách Côn Đảo (Việt Nam) 360 hải lý, thời tiết hoàn toàn bình thường.
Ông Quảng và một người đi biển lâu năm cho rằng, đây không phải là tọa độ cho tàu hải trình từ cảng Horizon về Việt Nam. Tàu đã đi chệch một góc 20 độ, hướng gần tới vùng quần đảo giáp ranh giữa Singapore và Indonesia, nơi nhiều toán cướp biển Indonesia có vũ trang hoành hành chục năm nay.
Tàu Sunrise 689 là tàu đóng mới, trang thiết bị hiện đại và được công ty đưa vào hoạt động từ năm 2012, chuyên tuyến từ Singapore chở dầu về Việt Nam. Ngoài các thiết bị cứu sinh, tàu được lắp đặt 2 thiết bị báo động an ninh ở buồng lái và phòng thuyền trưởng. Chỉ cần bấm một trong hai nút của 2 hệ thống, các cơ quan chức năng nước lân cận sẽ bắt được tín hiệu khẩn và triển khai phương án hỗ trợ.
“Với giả thiết đang nghiêng hẳn về việc tàu bị cướp, điều này cho thấy toán cướp lên phương án rất kỹ càng, khi chúng đột nhập lên tàu, tất cả thuyền viên bị khống chế. Chỉ có điều này mới khiến các thuyền viên không có cơ hội nhấn nút báo động”, ông Quảng phân tích.
Ông Nguyễn Vũ Điệp, Trưởng bộ phận Quản lý khai thác (Công ty cổ phần đóng tàu thủy sản Hải Phòng) thông tin thêm, hai ngày nay người nhà các thuyền viên liên tục gọi điện hỏi thông tin về người thân. Toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên công ty cũng đứng ngồi không yên. Công ty đã trình báo tới tất cả cơ quan đơn vị chức năng trong và ngoài nước.
Hiện Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp với Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam phát động thông báo đến các tàu trong khu vực, các nước Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore nhờ giúp đỡ.
Bộ tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam cũng gửi thông báo đến cảnh sát biển và Trung tâm an ninh hàng hải, phòng chống cướp biển Châu Á 4 nước nói trên về sự mất tích bí ẩn của tàu Sunrise 689.
Giang Chinh