Ngày 25/3, bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Khánh Hòa, cho biết quá trình điều tra dịch tễ cho thấy nam bệnh nhân thường đi bẫy chim hoang dã vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên gia cầm trong nhà và xung quanh khu vực người bệnh sinh sống không có hiện tượng ốm, chết nên ngành chức năng "nghi vấn nguồn lây từ chim hoang dã này".
"Thời điểm bệnh nhân chuyển bệnh thì người nhà đã phóng sinh chim ra ngoài", bác sĩ Toàn nói, cho biết điều này làm bên Chi cục Chăn nuôi và Thú y khó có thể truy vết.
Bệnh nhân trên là sinh viên trường Đại học Nha Trang, trú xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa. Ngày 11/3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, ho, điều trị tại Trung tâm Y tế Ninh Hòa. Đến ngày 16-17/3, tiếp đến được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa với chẩn đoán viêm phổi. Sau đó bệnh nhân được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trong tình trạng hôn mê, phải thở máy.
Theo bác sĩ Toàn, ban đầu lúc nam sinh viên khởi phát bệnh, có thể bệnh sử không khai thác về việc ăn hay tiếp xúc gia cầm bệnh, mà thiên về điều trị theo hướng sốt xuất huyết. Đến lúc bệnh chuyển biến nhanh, nam thanh niên đã hôn mê, không thể lấy thêm thông tin từ người này đã ăn gì và tiếp xúc như thế nào.
Đến nay, địa phương chưa ghi nhận được nguồn lây, kết quả kiểm tra các mẫu chim, gia cầm ở địa bàn thị xã Ninh Hòa và TP Nha Trang (những khu vực gần nam bệnh nhân đi qua) đều âm tính với cúm A/H5N1. Người nhà và người tiếp xúc cũng đều khỏe mạnh.
"Ngành chức năng cũng phỏng đoán có thể nam sinh mang chim hoang dã bẫy được đi bán ở các điểm thu mua chim gần trường đại học và gần nhà, nên mở rộng lấy mẫu, nhưng đến nay các mẫu tầm soát đều cho kết quả tương tự các mẫu trước", ông Toàn nói.
Ngành y tế vẫn tiếp tục điều tra nguồn gây bệnh cho nam sinh trên và có kế hoạch dự phòng tránh lây nhiễm cộng đồng thành dịch.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chiều 24/3 xác nhận đây là ca cúm A/H5N1 đầu tiên trong năm và đã tử vong, là ca thứ hai kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam. Ca thứ nhất được ghi nhận vào tháng 10/2022, tại Phú Thọ. Từ năm 2003 đến nay, cả nước có 128 người nhiễm cúm A/H5N1, trong đó 65 người tử vong (tỷ lệ 50,8%).
Cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm từ cúm gia cầm như gà, vịt, chim và động vật hoang dã, lây cho người. Đây là chủng cúm độc lực cao, người bệnh thường diễn tiến nặng, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh này hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine dự phòng. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người.
Bùi Toàn