Đầu tuần trước, mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh chụp trăng bởi Huawei P30 Pro được đăng tải. Thiết bị gây ấn tượng với zoom quang 5x (zoom hybrid 10x) và zoom số lên tới 50x cho hình ảnh trăng khá rõ nét, đặc biệt là các chi tiết trên bề mặt. Khi chụp, máy được để ở chế độ chụp tự động có AI (trí tuệ nhân tạo) và tự nhận diện được khung cảnh là Moon Mode.
Trang công nghệ Trung Quốc là Alifou khi đó nhận định nhiều khả năng P30 Pro đã sử dụng hình ảnh trăng từ trước và thêm chi tiết giả vào bức ảnh người dùng chụp được. Các bức hình chụp trăng vì vậy mới có độ chi tiết cao, không thua kém nhiều so với máy ảnh chuyên nghiệp.
Alifou cho rằng AI của P30 Pro đã khiến bức hình chụp bị tăng thêm chi tiết nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể. Để giải đáp những tranh cãi, blogger Xiaoqian Shi đã làm một bài thử nghiệm thực tế về tính năng chụp trăng của máy.
Ở lần thử nghiệm đầu tiên, Shi so sánh hai tấm chụp mặt trăng với một ở chế độ có bật AI và một không bật. Khi xem lại ảnh chụp và ảnh chụp màn hình giao diện camera trước khi bấm nút, anh nhận thấy mặt trăng đã được xử lý nhẹ, làm nổi bật hơn các chi tiết trên bề mặt nhưng không có chi tiết nào "đột nhiên xuất hiện". Nhưng đáng chú ý, ở cả chế độ không bật AI, mặt trăng vẫn được làm nổi bật hơn chi tiết một chút so với trước khi bấm máy.
Với thử nghiệm thứ hai, Shi thử chụp một bóng đèn bình thường nhưng có bật chế độ Moon Mode trên P30 Pro để xem thuật toán AI có thực sự dựng lên các chi tiết trên mặt trăng hay không. Tuy nhiên, các bức hình chụp bóng đèn trên thực tế không có thêm bất kỳ chi tiết nào.
Xiaoqian Shi sau đó kết luận P30 Pro không tự thêm chi tiết mặt trăng nào dù bật hay không chế độ AI hay Moon Mode. Tuy nhiên, máy có xử lý nhẹ để làm nổi bật hơn các chi tiết bề mặt này. Quá trình này nhằm làm giảm độ nhòe hình, bóng mờ khi phải sử dụng đến zoom số tới 50x.
Theo phản hồi từ Huawei, chế độ chụp Mặt trăng (Moon Mode) cũng hoạt động theo nguyên tắc giống như các chế độ AI khác, giúp nhận ra và tối ưu hóa các chi tiết trong ảnh để người dùng có thể chụp lại những bức ảnh đẹp hơn. Như với chế độ chụp món ăn, màu sắc được đẩy lên cao giúp chúng trở nên "ngon mắt" hơn.
Chế độ chụp bằng AI không thể thay thế hình ảnh đang được chụp thành một hình ảnh khác bởi điều đó sẽ đòi hỏi một dung lượng lưu trữ lớn không tưởng do chế độ AI này có thể nhận diện tới hơn 1.300 vật thể và phong cảnh. Dựa trên các nguyên tắc máy học, máy ảnh nhận ra một vật thể và phong cảnh và giúp tối ưu hóa tiêu cự và phơi sáng để tăng cường các chi tiết của vật thể và phong cảnh đó như hình dạng, màu sắc và các điểm sáng hoặc ánh sáng yếu.