Buổi làm việc diễn ra vào sáng 11/3, gồm đại diện Ban giám hiệu, Hội đồng khoa học Khoa Kỹ thuật Hóa học và các phòng ban liên quan, PGS TS Bùi Mai Hương (Trưởng phòng Quản trị thương hiệu - Truyền thông, trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM) cho biết. Cuộc họp nhằm trao đổi với GS Nam về một số sai sót trong nghiên cứu khoa học vừa được phát hiện, từ đó có kết luận.
Động thái này được đưa ra sau khi GS Phan Thanh Sơn Nam bị một tài khoản người dùng tố cáo "gian lận khoa học" trên Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia), và hôm qua trên Facebook cá nhân, ông Sơn đã "thành thật xin lỗi".
Cụ thể, một tài khoản đã nhiều lần sửa đổi trang thông tin GS Nam trên Wikipedia, nêu ông "gian lận kết quả nghiên cứu bằng cách tái sử dụng cùng một phổ cộng hưởng từ của cùng một lần đo cho nhiều kết quả khác nhau trong một số bài báo khác nhau không liên quan". Các bài báo được tìm thấy xuất bản từ năm 2014 đến 2020. Hiện trên Wikipedia không còn thông tin này, bài viết về GS Phan Thanh Sơn Nam cập nhật được chỉnh sửa lần cuối vào ngày 9/3.
Tối 10/3, GS Phan Thanh Sơn Nam xác nhận một số công bố của nhóm xảy ra tình trạng phần phụ lục (SI) của bài báo này có một số phổ NMR (phổ cộng hưởng từ hạt nhân, một phương pháp bổ sung quan trọng với hóa học hữu cơ) giống với NMR trong phần phụ lục của bài khác của chính nhóm này.
Lỗi này xảy ra trong phần phụ lục, tức phần thông tin hỗ trợ cho bài báo chính, không phải phần chính của bài báo. Hiện nhóm đang rà soát, đặt lại hóa chất để thí nghiệm và phân tích NMR lại, sau đó gửi các tạp chí cho đăng bản đính chính cho phần SI của 4 bài báo.
Trên trang cá nhân, ông thừa nhận chuyện bài báo khoa học có hình ảnh hay dữ liệu giống bài báo khác trong chính nhóm mình, dù chỉ trong phần phụ lục là sai. "Xưa nay tôi vẫn nhắc nhở học trò mình rằng chuyện này là sai. Nhóm sai thì phải tự sửa lại cho đúng", ông nêu quan điểm.
Theo GS Nam, trong 4 bài báo bị phát hiện sai sót, ông trực tiếp viết phần phụ lục. Sau đó, một người hướng dẫn khác trong nhóm chịu trách nhiệm kiểm tra trước khi tới trưởng nhóm, tức ông Nam đọc lần nữa. Để cẩn thận hơn, nhóm nghiên cứu đã phân công 2 người kiểm tra nhưng vẫn không tránh khỏi sai sót.
Với tư cách trưởng nhóm nghiên cứu, ông Nam xin lỗi cộng đồng vì đã tổ chức nhóm nghiên cứu không tốt, không hướng dẫn học trò kỹ lưỡng để xảy ra các lỗi trên. "Bao nhiêu bằng cấp, bao nhiêu kinh nghiệm, thì tôi cũng cần học thêm cách làm việc cho nghiêm túc hơn nữa. Đây là kinh nghiệm xương máu của nhóm nghiên cứu", ông viết.
Trước sự việc này, giới khoa học trong nước có nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng, việc làm của nhóm GS Nam tuy không phải là gian lận nhưng là vi phạm quy tắc trong nghiên cứu khoa học khi sao chép kết quả nghiên cứu trong nhiều bài báo. Luồng ý kiến khác đánh giá sai sót này không quá nghiêm trọng bởi nhóm dùng lại kết quả nghiên cứu của chính mình, không sao chép, lấy của người khác. Khuyết điểm của nhóm là khi sử dụng lại kết quả thí nghiệm của bài báo cũ cần tóm lược lại, đồng thời cho biết đã sử dụng tư liệu này.
Còn đại diện Đại học Bách khoa TP HCM cho biết sự việc đơn thuần là việc chuyên môn nghiên cứu khoa học, không có sự gian lận, dối trá, đạo văn.
Ông Phan Thanh Sơn Nam 44 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu, là nhà khoa học lĩnh vực Kỹ thuật hóa hữu cơ. Hướng nghiên cứu chính của ông là tổng hợp hữu cơ trong điều kiện hoá học xanh và xúc tác cho tổng hợp hữu cơ.
GS Phan Thanh Sơn Nam được biết đến là người trẻ nhất được phong học hàm giáo sư trong năm 2014 khi mới 37 tuổi. Ông cùng cộng sự đã công bố hơn 100 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín.
Năm 2017, GS Nam được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu. Một năm sau, tạp chí Asian Scientist của Singapore bình chọn ông là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á trong năm 2018 với những đóng góp nổi bật cho cộng đồng khoa học. Cùng năm này, ông là một trong 10 nhà khoa học ở Việt Nam có tên trong danh sách 100.000 nhà khoa học có số lượng trích dẫn nhiều nhất thế giới.
GS Nam là ủy viên Hội đồng liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm, thuộc Hội đồng giáo sư nhà nước.