Báo Asahi đưa tin, Công ty Tenma tại Nhật Bản ngày 1/4 đã khai với công tố viên tại Tokyo rằng công ty con Tenma Việt Nam (có trụ sở tại tỉnh Bắc Ninh) đã hối lộ khoảng 25 triệu yên (hơn 5 tỷ đồng) cho một số quan chức địa phương.
Trước đó, công ty này bị điều tra dấu hiệu vi phạm luật cấm hối lộ quan chức nước ngoài và luật cấm cạnh tranh không lành mạnh. Việc điều tra do cảnh sát tiến hành và một bên thứ ba thực hiện độc lập.
Theo lời khai, Tenma Việt Nam vào tháng 6/2017 sau khi nhập lô hàng khuôn mẫu đã bị đòi khoản phụ thu gần 1,8 tỷ yên (khoảng 362 tỷ đồng). Để giảm "phụ thu", công ty đề xuất trả "phí điều chỉnh". Giám đốc Tenma Việt Nam đã đồng ý chi 2 tỷ đồng để được "miễn" khoản tiền trên.
Tháng 8/2019, Tenma Việt Nam bị yêu cầu nộp thuế thu nhập chừng 89 triệu yên (khoảng 17,8 tỷ đồng), trong đó bao gồm thuế doanh nghiệp. "Tenma Việt Nam đã đưa 3 tỷ đồng tiền mặt để hối lộ nên được giảm xuống còn 2,62 triệu yên, bao gồm cả tiền phạt", Asahi đưa tin.
Ngày 1/5, Tenma thông báo trên trang web rằng giám đốc chịu trách nhiệm việc đưa tiền này sẽ từ chức tại cuộc họp cổ đông vào tháng 6.
Ngày 25/5, ông Trịnh Hữu Hùng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh đã nhận được đề nghị phối hợp xác minh từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam. "Thông tin trên từ lời khai một chiều, chưa thể khẳng định có hay không", ông Hùng nói. Tỉnh đã giao công an xác minh và báo cáo sớm nhất.
Cùng ngày, đại tá Phạm Văn Lương, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đã làm việc với những ban ngành liên quan và thu thập tài liệu ban đầu để báo cáo tỉnh vào 26/5.
Phủ nhận thông tin từ báo Nhật, ông Phạm Chí Thành, Phó cục trưởng Hải quan Bắc Ninh cho biết, theo Luật Xuất nhập khẩu, Tenma là doanh nghiệp chế xuất, không thuộc diện chịu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Do đó, hàng hóa của doanh nghiệp này nhập về để sản xuất không phải chịu bất kỳ loại thuế gì.
Việc cán bộ hải quan nhận tiền của Tenma để giảm thuế nhập khẩu 400 tỷ đồng, theo ông Thành là không có cơ sở. "Cục Hải quan Bắc Ninh cũng chưa nhận được văn bản chính thức nào từ cơ quan chức năng Nhật Bản, chỉ biết đến vụ việc qua báo Asahi", ông Thành nói.
Trong khi đó, ông Ngô Xuân Tòng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh cho hay đã báo cáo Bộ Tài chính và làm việc với Công an tỉnh. "Hồ sơ kiểm tra, báo cáo giải trình của đoàn kiểm tra đã được gửi tới Bộ Tài chính và Công an tỉnh Bắc Ninh", ông Tòng cho hay.
Ông cho biết hồ sơ kiểm tra và quyết toán thuế của Công ty Tenma Việt Nam thể hiện họ hoàn toàn được hưởng ưu đãi theo luật hiện hành, không có lý do gì phải bỏ thêm chi phí khác để được hưởng ưu đãi. "Đây có thể là vấn đề nội bộ của nhân viên người Nhật", ông Tòng nói.
Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh nói thêm, quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã làm rõ khoản thu nhập hoạt động gia công không được hưởng ưu đãi theo giấy phép ban đầu nên đã quyết định truy thu, phạt chậm nộp với tổng số tiền trên 500 triệu đồng.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 25/5, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hôm nay Bộ đã thành lập đoàn thanh tra công vụ tại Cục Thuế và Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh để làm rõ sự việc trên, công khai kết quả thanh tra.
Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị điều tra rõ nghi vấn này, nếu đúng phải xử nghiêm khắc, nhanh nhất và xứng đáng nhất để tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng.
Tổng công ty Tenma tại Nhật Bản hoạt động từ năm 1949. Tenma Việt Nam đặt cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Quế Võ Bắc Ninh từ năm 2007, hoạt động chính là sản xuất linh kiện nhựa cho thiết bị văn phòng, xe máy, ôtô và đồ dùng gia đình...
Trước đó, cơ quan tố tụng Việt Nam, từ phản ánh của báo chí Nhật, đã phanh phui hai vụ án nhận hối lộ lớn của quan chức ngành giao thông. Đó là vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây, TP HCM) và vụ 6 quan chức đường sắt nhận lót tay 11 tỷ đồng của Công ty JTC.