Trong số các đại biểu tham gia thảo luận về chủ trương đầu tư siêu dự án 56 tỷ USD sáng 8/6, tỷ lệ ủng hộ chiếm đa số. Tuy nhiên, những ý kiến phản đối vẫn rất gay gắt và day dứt trước gánh nặng nợ nần để lại cho con cháu.
Mở đầu phiên thảo luận sáng nay, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Lương Phan Cừ cho rằng, đầu tư đường sắt cao tốc bây giờ là chậm vì giao thông phải luôn đi trước trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, trong khi đến năm 2020 Việt Nam phấn đấu trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ông Cừ dẫn ra kinh nghiệm Trung Quốc bắt đầu đầu tư đường sắt cao tốc từ năm 1992, coi đó là động mạch chủ. Ngay Nga cũng đang nhờ Trung Quốc giúp đỡ phát triển đường sắt cao tốc.
"Thực tế, ta có nhiều bài học khi chậm trễ phát triển giao thông khiến việc đền bù giải phóng mặt bằng tốn kém, chiếm 60-70% tổng đầu tư dự án, làm hạn chế thế mạnh của từng vùng kinh tế", ông Cừ nói. Đại biểu này ví von một loạt bãi tắm đẹp ở miền Trung như những nàng tiên đang ngủ, nếu có đường sắt cao tốc sẽ khai thác tiềm năng du lịch ở miền Trung, đồng thời sẽ tạo ra nhiều việc làm, kích thích ngành thép, xi măng phát triển.
Dẫn ra hàng loạt ưu điểm của đường sắt cao tốc như tốc độ nhanh, an toàn, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu, 11 nước đầu tư đường sắt đều là nước có chỉ số IQ cao, đại biểu Trần Tiến Cảnh kết luận: "Đường sắt cao tốc đích thực là phương tiện đi lại trong tương lai. Việt Nam không còn là nước nghèo, chúng ta hội đủ yếu tố để có thể triển khai dự án này. Đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp này", ông Cảnh kiến nghị.
Đại biểu Đào Xuân Nay cũng đồng tình với dự án đường sắt cao tốc vì: "Ta phát triển chậm thì cần đi tắt đón đầu. Có thể trước mắt đường sắt cao tốc chưa hiệu quả, nhưng tương lai lại tốt. Ví như đường dây 500 kV, lúc xây dựng nói không hiệu quả, giờ mới thấy tác dụng". Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào thì cho rằng 56 tỷ USD lớn, nhưng đó là đầu tư cho tương lai, cho sự phát triển. "Tại sao chúng ta có thể đánh thắng đế quốc Mỹ, nhưng trước dự án đem lại lợi ích cho con cháu thì lại chùn bước", ông Đào đặt câu hỏi.
Dưới cái nhìn của nhà kinh tế, đại biểu Trần Du Lịch thừa nhận dự án này khó, một là vốn quá lớn trong khi nợ quốc gia đang cao. Theo một báo cáo, tất cả ngành kinh tế cộng lại, nợ từ nay đến 20 năm tới của Việt Nam là 280 tỷ USD. Hai là dự án kéo dài, phải 20-30 năm sau mới được hưởng, do đó có thể gặp rủi ro. "Nhưng nếu không làm thì sau này dân ta sẽ đi lại bằng gì? Nói đầu tư theo phương án 3 xây đường sắt tốc độ 200 km/h sẽ giảm được chi phí, nhưng 30-40 năm sau lại phải xây đường sắt cao tốc, vậy chưa chắc đã tiết kiệm. Vì thế phải đi thẳng vào công nghệ hiện đại, thiết kế ngay đường sắt 300 km/h", ông Lịch nói.
Bà Sùng Thị Chư: "Quốc hội khóa 12 chưa nên quyết dự án đường sắt cao tốc". Ảnh: TTXVN. |
Không đồng tình với các quan điểm trên, đại biểu Sùng Thị Chư đặt ra hàng loạt câu hỏi. Tại sao chỉ 11 nước có đường sắt cao tốc? Tại sao chiều dài đường sắt cao tốc của họ chỉ từ 95 đến 500 km, trong khi của ta hơn 1.500 km? Tại sao mạo hiểm đầu tư cho một dự án có quá nhiều rủi ro, khi vốn vay chiếm đến 2/3 GDP của Việt Nam, nợ quốc gia sắp vượt ngưỡng an toàn? Cuối cùng nữ đại biểu kết luận: "Đầu tư đường sắt cao tốc là cần thiết, nhưng chưa phải cấp thiết trong thời điểm này. Đề nghị trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 chưa nên quyết dự án đường sắt cao tốc".
"Đất nước ta nghèo, dự án đường sắt cao tốc là ý tưởng đẹp, là ước mơ của nhân dân. Trong cuộc sống ai cũng cần có ước mơ, nhưng rất đáng tiếc vào thời điểm hiện nay không phù hợp", đại biểu Trần Hồng Việt lên tiếng. Ông Việt cũng phân tích dự báo của Chính phủ đến năm 2030 có khoảng 57 triệu hành khách không di chuyển được trên tuyến Bắc - Nam do không có phương tiện là không có sơ sở.
Việc so sánh Nhật Bản xây đường sắt cao tốc khi thu nhập bình quân đầu người đạt 500 USD và thu nhập bình quân của VN hiện nay đạt 500 USD nên cũng xây đường sắt cao tốc là chưa đúng, vì giá trị 500 USD lúc đó khác. "Mình so sánh với Trung Quốc cũng là quá cách biệt, nó giống như anh nhà giàu mua ôtô, còn ta nghèo cũng cố vay tiền mua ôtô", ông Việt ví von và đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề bức xúc hiện tại. Còn dự án đường sắt cao tốc nên giao cho Quốc hội khóa 13 thực hiện.
Đi thẳng vào vấn đề, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết khẳng định không tán thành với dự án này. Theo ông, cả tờ trình và báo cáo thẩm tra thể hiện sự thiếu thuyết phục khi áp đặt vị trí độc tôn của đường sắt cao tốc Bắc - Nam, phủ nhận, thậm chí đổ tội cho việc đầu tư quá tập trung vào đường bộ dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông.
Ông Thuyết cho rằng rất thiếu khách quan khi cả người lập và thẩm định dự án đều là liên doanh tư vấn Nhật Bản - Việt Nam. Ngay hội đồng thẩm định cấp nhà nước toàn lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, không có chuyên gia đường sắt.
"Hiệu quả dự án rất thấp. Chính phủ đề xuất phương án khai thác khu đất quanh ga để tăng tỷ lệ nội hoàn tài chính, đây là bài toán quẩn. Tàu chỉ đỗ có dăm ba phút thì làm sao dịch vụ tại ga phát triển. Một số đại biểu ví von đánh thức nàng tiên du lịch, nhưng tôi chắc mở mắt ra nàng tiên sẽ hỏi anh ơi, tiền ở đâu?", ông Thuyết nói.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: "Rất thiếu khách quan khi cả người lập và thẩm định dự án đều là liên doanh tư vấn Nhật Bản - Việt Nam". Ảnh: TTXVN. |
Đại biểu Lê Đình Khanh cũng cho rằng đất nước ta còn nghèo, nhiều công trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội nguồn vốn có hạn. "Chính phủ nên tập trung giải quyết những bức xúc hiện nay, như ách tắc giao thông ở hai thành phố lớn, thiếu điện để dân không còn chịu cảnh mất điện giữa hè, mẻ thép ra lò không đông cứng do mất điện", ông Khanh nói và đề nghị khi nào thu nhập bình quân đầu người đạt 3.000 USD trở lên thì Việt Nam làm đường sắt cao tốc.
Khẳng định mình là người lạc quan, với hàng chục năm ở nước ngoài, tiếp cận hạ tầng giao thông ở những nước thuộc hàng bậc nhất thế giới, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhất quyết cho rằng "để đến năm 2020 khi con cháu thông minh, giỏi hơn ta sẽ quyết định dự án đường sắt cao tốc". Lý do ông Thuận đưa ra là tiềm lực kinh tế và năng lực quản lý điều hành của Việt Nam rất hạn chế, trong khi nạn tham nhũng, lãng phí đang nhức nhối.
"Chính phủ nói sẽ đi vay Nhật Bản, ADB, WB. Nhưng WB từng cảnh báo chúng ta trèo cao ngã đau khi đầu tư dự án này. Còn Nhật Bản ai dự báo được vài chục năm nữa sẽ vẫn mạnh. Trước đây Thủ tướng Nhật từng cảnh báo với điều kiện Việt Nam chưa nên xây đường sắt cao tốc, giờ họ muốn xuất khẩu công nghệ nên ủng hộ. Vậy ai đảm bảo họ sẽ không thay đổi", ông Thuận nói và đề nghị Chính phủ hãy tập trung nguồn lực giải quyết triệt để vấn nạn giao thông ở hai thành phố lớn, ách tắc trong mùa ngập trên tuyến đường bộ Bắc Nam, hiện đại hóa đường sắt đạt tốc độ 200 km/h.
"Đó mới thực sự là món quà quý dành cho thế hệ sau", Chủ nhiệm Thuận chốt lại phần phát biểu của mình.
Dự án đường sắt cao tốc sẽ được thảo luận trong cả ngày hôm nay và dự kiến đến 19/6 Quốc hội sẽ biểu quyết việc có hay không thông qua chủ trương đầu tư dự án này.
Hồng Khánh