Lễ đăng quang là biểu tượng cho sự hòa hợp giữa hoàng gia, giáo hội và nhà nước Anh, diễn ra gần 8 tháng sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời và Thái tử Charles được tấn phong làm Vua Charles III hôm 10/9/2022.
"Lễ đăng quang phản ánh vai trò của quốc vương hiện tại và hướng đến tương lai, đồng thời vẫn bắt nguồn từ các truyền thống, nghi lễ lâu đời", Điện Buckingham cho hay. Lễ đăng quang sẽ do Tổng giám mục Canterbury chủ trì, với một số điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện tại.
Sự kiện bắt đầu bằng "Lễ diễu hành của quốc vương" lúc 10h20 (16h20 giờ Hà Nội). Vua Charles III và Vương hậu Camilla ngồi trên cỗ xe ngựa Diamond Jubilee, di chuyển từ Cung điện Buckingham qua đường phố London đến Tu viện Westminster.
Diamond Jubilee là cỗ xe ngựa đặc biệt được chế tạo nhằm kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II và sử dụng lần đầu vào năm 2014. Nội thất của cỗ xe là những món đồ gỗ được lấy từ những tòa nhà và cung điện lịch sử trên khắp nước Anh, trên đỉnh gắn một chiếc vương miện mạ vàng.
Quãng đường diễu hành bằng xe ngựa dài khoảng 2 km, ngắn hơn nhiều so với hành trình 7,2 km mà Nữ hoàng Elizabeth II đã thực hiện hơn 70 năm trước.
Lễ đăng quang bắt đầu tại Tu viện Westminster lúc 11h (17h giờ Hà Nội). Sự kiện dự kiến có 2.200 khách mời tham dự, ít hơn đáng kể so với con số 8.250 quan khách khi Nữ hoàng Elizabeth II đăng quang năm 1953.
Danh sách khách mời không được công bố, nhưng được cho là gồm lãnh đạo 15 quốc gia Khối Thịnh vương chung, các lãnh đạo khác trên thế giới, hoàng gia Hà Lan, Bỉ, Thụy Điển, Bhutan, Monaco cùng nhiều người nổi tiếng, đại diện các tổ chức quốc tế.
Tổng giám mục Canterbury Justin Welby sẽ giới thiệu tân vương với mọi người, mời họ cùng nói "Chúa phù hộ Nhà vua".
Vua Charles III sau đó tuyên thệ tuân theo luật pháp và Giáo hội Anh, trước khi ngồi lên ngai đăng quang, được xức dầu thánh và tiếp nhận các bảo vật hoàng gia như đinh thúc ngựa, áo choàng, quả cầu quốc chủ, nhẫn quốc chủ và trượng.
Tổng giám mục Welby sau đó đặt Vương miện Thánh Edward lên đầu Vua Charles III. Ông sẽ cầm các bảo vật, đứng dậy từ ngai đăng quang để ngồi vào ngai vàng. Vương hậu Camilla cũng được xức dầu thánh và sẽ đội Vương miện Nữ hoàng Mary.
Những tiếng đại bác và kèn trumpet sẽ đồng loạt vang lên trên cả nước để chào mừng nhà vua đăng quang. Theo truyền thống, đây là thời điểm tầng lớp quý tộc bày tỏ lòng tôn trọng với tân vương bằng cách thề trung thành với ông. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng giám mục Canterbury ngày 29/4 tuyên bố bãi bỏ nghi thức "Lòng thành kính của Quý tộc", thay thế bằng "Lòng thành kính của Nhân dân".
Tổng giám mục Welby sẽ kêu gọi toàn bộ người dân các vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, cũng như những nơi coi Vua Anh là nguyên thủ quốc gia, tuyên thệ trung thành với Vua Charles III.
Lễ đăng quang dự kiến kết thúc lúc 13h (19 giờ Hà Nội). Vua Charles III và Vương hậu Camilla trở về Cung điện Buckingham trong "Lễ diễu hành Đăng quang", cùng cung đường nhưng quy mô lớn hơn "Lễ diễu hành của quốc vương", trên cỗ xe ngựa Gold State Coach 260 năm tuổi.
Các thành viên hoàng gia nhập đoàn với Vua và Vương hậu tại Cung điện Buckingham. Vua Charles III cùng các thành viên hoàng gia sau đó xuất hiện tại ban công, theo dõi màn trình diễn máy bay dài khoảng 6 phút của không quân Anh.
Hoàng gia Anh chọn ngày 7/5 để tổ chức các bữa tiệc đường phố mừng Vua Charles III đăng quang. Khoảng 3.000 tuyến đường sẽ được sử dụng để phục vụ hoạt động này. Các thành viên hoàng gia sẽ tham gia một số sự kiện. Một buổi biểu diễn âm nhạc dự kiến diễn ra tại Lâu đài Windsor với sự có mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng.
Ngày 8/5 là ngày nghỉ ngân hàng ở Anh, hoàng gia khuyến khích mọi người tham gia hoạt động từ thiện Big Help Out để tri ân "cuộc đời phụng sự cộng đồng" của quốc vương. Hơn 1.500 tổ chức từ thiện tham gia Big Help Out và Thứ trưởng phụ trách Thể thao, Du lịch và Xã hội Stuart Andrew nói sự kiện "sẽ làm nổi bật sức mạnh tình nguyện trong giúp đỡ các cộng đồng".
Cảnh sát đô thị London (Met) cho biết họ sẽ triển khai hơn 29.000 sĩ quan để đảm bảo an ninh trong tuần diễn ra lễ đăng quang. Chiến dịch an ninh, tên gọi Quả cầu Vàng, sẽ là một trong những hoạt động quy mô lớn nhất mà Met từng phụ trách.
"Ngày đăng quang sẽ có hơn 11.500 sĩ quan làm nhiệm vụ, lực lượng được huy động trong một ngày lớn nhất nhiều thập kỷ", Ade Adelekan, phó trợ lý cảnh sát trưởng London, nói. "Chúng tôi muốn người dân London và du khách đến với thành phố để chứng kiến sự kiện lịch sử và trọng đại này một cách an toàn".
Như Tâm (Theo Guardian, SCMP, CNN)