Vua Charles III hôm nay làm lễ đăng quang tại Tu viện Westminster, chính thức trở thành quốc vương Anh, mở ra thời kỳ mới sau triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II.
Khi Thái tử Charles được tấn phong làm quốc vương sau sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II, bài phát biểu trước công chúng đầu tiên của ông đã cảm ơn "người mẹ yêu dấu" vì tình yêu và sự tận tâm đối với gia đình và vương quốc mà bà đã dành gần như cả đời để phụng sự.
Ông chào đời năm 1948 tại Cung điện Buckingham ở London, là con trai đầu lòng của Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip. Lên ba tuổi, ông trở thành Thái tử kế vị khi Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi, sau khi Vua George VI qua đời.
Nhận thức được trọng trách của người thừa kế ngai vàng, Thái tử Charles đã có hơn bảy thập kỷ chuẩn bị cho ngày kế nhiệm Nữ hoàng, điều mà nhiều người gọi là "thời gian học việc dài nhất lịch sử".
Ngay từ khi còn nhỏ, quốc vương tương lai của Anh đã chứng kiến những hy sinh của mẹ để làm tròn nghĩa vụ hoàng gia. Trước khi đăng quang, bà Elizabeth II đã có ít thời gian dành cho con trai đầu lòng, người khá nhút nhát và nhạy cảm khi còn nhỏ. Để thực hiện lịch trình bận rộn theo nghĩa vụ hoàng gia, vợ chồng bà đều thường xuyên vắng mặt ở nhà.
Giáng sinh năm 1949, Công chúa Elizabeth cùng chồng tới công du Malta, để con trai Charles một tuổi ở nhà với ông bà tại Sandringham. Họ cũng bỏ lỡ khoảnh khắc Charles chập chững tập đi hay mọc những chiếc răng đầu tiên.
Các chuyến công du nước ngoài sau đó của Nữ hoàng và Hoàng thân Philip cũng không có con trai nhỏ đi cùng. Từ đầu tiên mà Charles nói là "Nana" để gọi bảo mẫu, người mà ông ở cạnh nhiều hơn bất kỳ ai khác vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, trong những năm qua, Charles luôn nói về Nữ hoàng và Hoàng thân với sự ngưỡng mộ vì những đóng góp, hy sinh của họ với Hoàng gia Anh và chế độ quân chủ, ngay cả khi sự vắng mặt của họ chắc chắn để lại những khoảng trống trong tuổi thơ của ông.
Sự vắng mặt của mẹ đồng nghĩa Charles dành nhiều thời gian hơn bên Hoàng thân Philip, người đã nhận ra sự nhút nhát của con trai và tìm cách khích lệ con. Tuy nhiên, kết quả không phải lúc nào cũng như mong muốn. Nữ bá tước Mountbatten, em họ của Hoàng thân Philip, cho biết "đôi khi anh ấy đã làm quá mức dù tôi hiểu anh ấy chỉ muốn con mình mạnh mẽ hơn".
Ông Charles là người kế vị ngai vàng đầu tiên của Anh đi học thay vì được dạy kèm tại cung điện. Ông theo học một thời gian ngắn ở trường dự bị Hill House ở London năm 8 tuổi, trước khi học nội trú tại trường Cheam mà cha ông từng học. Charles từng nói ông không có trải nghiệm tốt về khoảng thời gian này.
Khoảng thời gian ông ở Gordonstoun, nơi mà cha ông từng theo học và rất nổi tiếng, cũng tương tự. Charles chia sẻ về môi trường khắc nghiệt ở đó, nhưng vẫn đánh giá cao những kinh nghiệm ông có được. Cũng tại ngôi trường này, Charles đã nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và sau đó tham gia nhiều vở kịch.
"Gordonstoun đòi hỏi bạn cả về tinh thần và thể chất cao hơn hầu hết các trường khác. Tôi may mắn ở chỗ tin rằng ngôi trường đã dạy tôi rất nhiều điều về bản thân, dạy tôi cách chấp nhận thách thức và chủ động", Thái tử Charles nói năm 1975.
Thái tử Anh dần trở nên thân thiết với cha mẹ hơn. Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời năm ngoái, ông từng chia sẻ trong bộ phim tài liệu phát sóng trên BBC rằng ông cảm thấy "may mắn" khi bà là mẹ ông. Trong khi đó, tổ chức từ thiện Prince’s Trust chính là một trong những ví dụ về những mối quan tâm chung của ông với cha.
Nhà sử học hoàng gia Mok O'Keeffe thêm rằng chính công việc tại Prince’s Trust đã tạo nền tảng cho công việc cai trị Vương quốc Anh sau này, khi ông tìm cách bảo vệ những người bị thiệt thòi trong xã hội.
"Công việc tại Prince’s Trust đã giúp ông ấy có thêm nhiều kỹ năng và sự tự tin", O'Keeffe nói.
Năm 1970, ông tốt nghiệp Đại học Cambridge với tấm bằng cử nhân nghệ thuật, trở thành người thừa kế ngai vàng đầu tiên của Hoàng gia Anh có bằng đại học. Cambridge sau đó trao cho ông bằng thạc sĩ nghệ thuật.
Charles trở thành Thân vương xứ Wales vào năm 1969, sau khi hoàn thành một kỳ tại Đại học Wales ở Aberystwyth, nơi ông học nói tiếng xứ Wales. Hai năm sau, ông vào Hạ viện và sau đó vài năm gia nhập hải quân và không quân Hoàng gia.
Năm 1981, thế giới đổ dồn chú ý về Vương quốc Anh khi ông kết hôn với Diana Spencer, người sau đó trở thành Công nương xứ Wales. Hai người có hai con trai là Hoàng tử William và Hoàng tử Harry, xếp thứ hai và thứ sáu trong danh sách kế vị ngai vàng. Cuộc hôn nhân của họ đầy biến động và hai người ly thân vào cuối năm 1992, trước khi ly hôn vào năm 1996.
Bi kịch xảy ra vào năm 1997, khi Công nương Diana qua đời trong vụ tai nạn ôtô tại Paris. Đó là một trong những thời điểm khó khăn nhất đối với cả Thái tử Charles và Hoàng gia Anh.
Tới năm 2005, Thái tử Charles kết hôn với Camilla Parker Bowles, người sau đó trở thành nữ Công tước xứ Cornwall. Hai người lần đầu gặp nhau năm 1970, khi Thái tử Charles 22 tuổi và bà Camilla 24 tuổi. Tình bạn giữa họ dần chuyển thành tình yêu và vượt qua nhiều rào cản trong suốt những năm sau đó. Nữ hoàng và nhiều người khác vui mừng với chương mới trong cuộc đời Thái tử Charles.
Sau lễ đăng quang, Vua Charles III sẽ thực hiện những chính sách để tạo dấu ấn riêng trong triều đại mới. Nhiều thông tin cho rằng một trong những ưu tiên của ông là "tinh giản" chế độ quân chủ của Anh, theo mô hình của nhiều nước châu Âu.
Mok O'Keeffe đồng tình với quan điểm rằng Vua Charles III đã có nhiều thời gian để chuẩn bị cho những gì ông sẽ làm với chế độ quân chủ Anh, song tin rằng ông cũng sẽ đối mặt nhiều thách thức. Hoàng gia Anh gần đây gặp phải nhiều sóng gió liên quan tới Hoàng tử Harry, người đã từ bỏ nghĩa vụ hoàng gia và tiết lộ nhiều "thâm cung bí sử" của gia đình với truyền thông.
"Tuy nhiên, tôi tin rằng với quan điểm mới mẻ và sẵn sàng học hỏi, ông ấy sẽ có một tư duy hoàn hảo để đảm bảo Hoàng gia Anh tiếp tục được công nhận và tiếp tục đại diện cho các cộng đồng đa dạng của Vương quốc Anh, cũng như Khối Thịnh vượng chung trong thế kỷ 21", O'Keeffe nói.
Thanh Tâm (Theo Telegraph, AP)