"Pavel Durov là tù nhân chính trị, nạn nhân của cuộc săn phù thủy do phương Tây tiến hành", hạ nghị sĩ Maria Butina, người từng bị kết án 15 tháng tù ở Mỹ với cáo buộc là "đặc vụ không đăng ký của Nga", hôm nay cho hay, khi bình luận về vụ CEO Telegram Pavel Durov bị cảnh sát Pháp bắt.
Theo bà Butina, vụ bắt Durov đồng nghĩa "quyền tự do ngôn luận đã chết ở châu Âu". Hàng loạt quan chức, nhà hoạt động Nga khác cũng lên tiếng bênh vực Durov.
"26 tổ chức phi chính phủ (NGO) của phương Tây hồi năm 2018 lên án phán quyết chặn Telegram do tòa án Nga đưa ra. Họ kêu gọi giới chức Nga ngừng cản trở hoạt động của nền tảng này, đề nghị Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, chính phủ Mỹ và nhiều nước bảo vệ quyền tự do ngôn luận", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay.
Bà Zakharova đề cập Đạo luật Yarovaya được Nga ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, trong đó yêu cầu các nhà mạng viễn thông phải lưu trữ tin nhắn điện thoại, bản ghi lưu lượng sử dụng Internet của khách hàng trong 6 tháng và chìa khóa giải mã tin nhắn, đồng thời sẵn sàng cung cấp những dữ liệu này cho Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) khi có yêu cầu.
"Trong suốt thời gian đó, Durov vẫn di chuyển khắp nơi và tiếp tục phát triển Telegram. Liệu lần này các NGO có phản đối Pháp và yêu cầu trả tự do cho Durov, hay sẽ ngậm bồ hòn làm ngọt?", bà Zakharova nói tiếp.
CEO Telegram Pavel Durov bị bắt tại sân bay Paris-Le Bourget, ngoại ô thủ đô Paris của Pháp, tối 24/8 sau khi đến đây từ Azerbaijan bằng máy bay riêng, theo lệnh bắt trong khuôn khổ một cuộc điều tra sơ bộ của cảnh sát Pháp.
OFMIN, cơ quan Pháp phụ trách ngăn ngừa bạo lực với người chưa thành niên, đã phát lệnh truy nã với Durov trong cuộc điều tra sơ bộ với cáo buộc gian lận, buôn lậu ma túy, bắt nạt trên mạng, tội phạm có tổ chức và thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố, một nguồn tin nói với AFP.
"Đã hết thời Telegram có thể tự tung tự tác rồi", một điều tra viên nói, đồng thời bày tỏ ngạc nhiên về việc Durov bay tới Paris, dù biết rằng mình đang bị truy nã. CEO Telegram sẽ hầu tòa ở Paris hôm nay để nghe cáo buộc.
Ủy viên Nhân quyền Nga Tatiana Moskalkova nói rằng lý do thật sự khiến Durov bị bắt là "nỗ lực nhằm đóng cửa Telegram, nơi cho phép mọi người tiếp cận thông tin thật sự về những sự kiện trên thế giới". Đại sứ lưu động Nga Rodion Miroshnik cho rằng Pavel Durov bị bắt vì từ chối sử dụng Telegram để phục vụ lợi ích của phương Tây.
Mikhail Ulyanov, Đại diện Thường trực Nga tại các Tổ chức Quốc tế ở Vienna, cảnh báo rằng người có ảnh hưởng trên không gian thông tin toàn cầu sẽ "không an toàn khi đến những nước đang hướng đến chủ nghĩa toàn trị".
Phó chủ tịch Hạ viện Nga Vladislav Davankov kêu gọi Ngoại trưởng Sergei Lavrov tìm cách để CEO Telegram được Pháp trả tự do. Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Nga Vladimir Solovyov cáo buộc các nước phương Tây muốn gây áp lực với Durov và giành quyền kiểm soát nền tảng do ông sáng lập.
Pavel Durov, 39 tuổi, sinh ra tại thành phố Saint Petersburg của Nga, có quốc tịch Nga, Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis (quốc gia vùng Caribe). Ông sáng lập Telegram vào năm 2013, đặt trụ sở tại Dubai.
Durov rời Nga vào năm 2014 sau khi từ chối tuân thủ yêu cầu của chính phủ Nga về việc đóng cửa các cộng đồng đối lập trên mạng xã hội VK cũng do ông sáng lập nhưng đã bán lại.
Đại sứ quán Nga tại Pháp hôm nay đã yêu cầu được tiếp xúc lãnh sự với Durov và kêu gọi Paris giải thích lý do bắt CEO Telegram. "Tới nay, phía Pháp vẫn từ chối hợp tác về vấn đề này", đại sứ quán Nga cho hay.
Telegram, đặc biệt có ảnh hưởng ở Nga, Ukraine và các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô, được xếp hạng là một trong những mạng xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat. Telegram hiện có 900 triệu người dùng và đặt mục tiêu đạt một tỷ trong năm tới.
Sau khi Nga phát động chiến dịch tại Ukraine vào năm 2022, Telegram trở thành nền tảng chính để cả Nga và Ukraine đăng tải nội dung về cuộc xung đột và tình hình chính trị liên quan.
Vũ Anh (Theo TASS, AFP)