Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Ben Cardin ngày 1/2 nói ông "quan ngại sâu sắc" về chính sách của chính phủ Hungary hiện nay, khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban cản trở Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói viện trợ cho Ukraine và trì hoãn duyệt Thụy Điển vào NATO trong thời gian dài.
"Những người bạn với nhau không làm như vậy. Tôi đang hoài nghi liệu họ có phải đồng minh đáng tin cậy cho chương trình miễn thị thực của chúng ta hay không", ông Cardin cho biết.
Dường như thượng nghị sĩ này đang dùng chính sách thị thực với Hungary để gây sức ép lên chính quyền Thủ tướng Orban. Chính sách này cho phép công dân từ 41 quốc gia "đồng minh đáng tin cậy" được nhập cảnh và ở lại Mỹ tối đa 90 ngày mà không cần thị thực.
Tuyên bố của ông Cardin được đưa ra trước khi Hungary nhượng bộ và cùng các thành viên EU thông qua gói viện trợ 54 tỷ USD cho Ukraine.
Nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen và nghị sĩ Thom Tillis, đảng Cộng hòa, cũng ra tuyên bố chung kêu gọi Hungary thay đổi định hướng. Shaheen và Tillis là đồng chủ tịch Nhóm giám sát NATO, cơ quan đi đầu trong nỗ lực ủng hộ liên minh quân sự tại Thượng viện.
"Việc Hungary không hành động có nguy cơ gây tổn hại không thể cứu vãn đến quan hệ giữa nước này với Mỹ và NATO", theo hai nghị sĩ.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Ben Cardin tại quốc hội Mỹ ngày 18/10/2023. Ảnh: AFP
Thụy Điển cùng Phần Lan hồi tháng 5/2022 nộp đơn xin gia nhập NATO, kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự. Phần Lan hồi tháng 4/2023 gia nhập NATO thành công, sau khi nhận được sự ủng hộ từ 30 nước thành viên, trong khi Thụy Điển lúc đó gặp trở ngại từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 25/1 đã ký phê duyệt nghị định thư xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Thủ tướng Orban cuối tháng 1 nói Hungary ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO và sẽ phê chuẩn nghị định thư của Stockholm sớm nhất có thể, nhưng đến nay chưa hành động.
Phiên họp thường kỳ tiếp theo của quốc hội Hungary dự kiến bắt đầu cuối tháng 2. Cơ quan này có thể triệu tập họp sớm hơn, miễn là có thông báo trước 48 giờ. Tài liệu trên website quốc hội Hungary ngày 1/2 cho thấy cơ quan này sẽ họp vào ngày 5/2 theo đề nghị từ phe đối lập.
Đảng Fidesz của ông Orban chiếm thế đa số áp đảo tại quốc hội, nên việc thông qua nghị định thư của Thụy Điển hoàn toàn trong tầm tay của Thủ tướng Hungary. Văn phòng đảng Fidesz chưa bình luận về thông tin.
Như Tâm (Theo Reuters)