Trong phiên điều trần của Thượng viện hôm 4/3, các quan chức từ FBI, Bộ Tư pháp và An ninh Nội địa cho biết ứng dụng chia sẻ video TikTok có thể trở thành một công cụ của các cơ quan tình báo Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley, người triệu tập phiên điều trần, cho biết ông đang đưa ra dự luật cấm TikTok khỏi tất cả các thiết bị của chính phủ Mỹ, cho rằng đây là "rủi ro an ninh lớn đối với người dân".
"TikTok là ví dụ về một ứng dụng mà người dân bình thường không hiểu được ý nghĩa đằng sau nó. Về cơ bản, một người được nhà nước bảo trợ đã kiểm soát nó", Clyde Wallace, quan chức thuộc bộ phận không gian mạng của FBI, nói trong phiên điều trần.
TikTok, đặc biệt phổ biến với thanh thiếu niên, được cho là ứng dụng có lượt tải nhiều nhất thế giới vào năm ngoái. Tuy nhiên giới chức Mỹ luôn bày tỏ lo ngại về mối liên hệ của ứng dụng này với chính phủ Trung Quốc.
Wallace cho biết dù các dữ liệu TikTok thu thập có vẻ không nhạy cảm, song những thông tin có thể được tổng hợp và "được sử dụng cho nhiều mục đích". Ông nói thêm các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc có thể thu thập thông tin cá nhân, danh sách liên lạc, vị trí và chi tiết thẻ ngân hàng người dùng.
Bryan Ware, một quan chức an ninh mạng tại Bộ An ninh Nội địa, cũng lặp lại những lo ngại tương tự, cho biết dữ liệu từ TikTok có thể trở thành một phần của cơ sở dữ liệu lớn do Trung Quốc khai thác.
"Trung Quốc có các chương trình thu thập, phát triển trí tuệ nhân tạo và phân tích đối với những dữ liệu đó nhằm mục đích chúng tôi chưa thể xác định rõ. Đó là điều khiến chúng tôi lo ngại. Chắc chắn sẽ không có chỗ cho các ứng dụng như TikTok trên những thiết bị của chính phủ", Ware nói.
Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Adam Hickey cho biết việc tổng hợp dữ liệu từ TikTok sẽ "giúp các cơ quan tình báo dễ dàng chiêu mộ hoặc xâm nhập vào những hệ thống của các nhân viên chính phủ".
Samm Sacks, thành viên an ninh mạng tại Tổ chức New America, khẳng định các quy định của Trung Quốc có thể cho phép chính phủ "về cơ bản yêu cầu bất cứ điều gì họ muốn từ các công ty này".
TikTok thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc Bytedance, được cho là có khả năng thu thập thông tin về người dùng, bao gồm các dữ liệu có thể được sử dụng để theo dõi vị trí và hành trình của người dùng.
Đại diện TikTok cho hay chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu quyền truy cập vào bất cứ dữ liệu của người dùng nào và ngay cả khi được yêu cầu, công ty này cũng không chia sẻ dữ liệu.
Ngọc Ánh (Theo AFP)