"Joe Biden cho rằng chúng ta cần viện trợ nhân đạo Dải Gaza, nhưng tôi không nghĩ chúng ta nên làm vậy", nghị sĩ Cộng hòa Tim Walberg nói trong video đăng trên mạng xã hội X hôm 30/3, khi trả lời câu hỏi của cử tri về kế hoạch của chính phủ Mỹ xây cảng nổi viện trợ khẩn cấp cho Dải Gaza.
"Tôi không nghĩ rằng các khoản viện trợ của chúng ta, vốn để giúp đỡ Israel, đồng minh lớn nhất, lại được dùng để giúp Hamas. Chúng ta không nên chi một xu nào cho viện trợ nhân đạo. Cần phải xử lý như với Nagasaki và Hiroshima. Hãy kết thúc chuyện đó thật chóng vánh", nghị sĩ Walberg tiếp tục.
Hiroshima là thành phố đầu tiên của Nhật Bản bị Mỹ ném bom nguyên tử vào ngày 6/8/1945, khiến khoảng 80.000 người thiệt mạng. Ba ngày sau đó, Mỹ tiếp tục thả bom xuống thành phố Nagasaki, khiến khoảng 40.000 người thiệt mạng. Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vào ngày 15/8/1945.
![Hạ nghị sĩ Cộng hòa Tim Walberg tại thủ đô Washington hồi tháng 6/2023. Ảnh: Reuters](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2024/04/01/2023-06-06T110934Z-530028387-M-6981-5738-1711937971.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ggm3kazlCke_t6th6GBT9A)
Nghị sĩ Cộng hòa Tim Walberg tại thủ đô Washington hồi tháng 6/2023. Ảnh: Reuters
Phát ngôn của Walberg đã gây ra phẫn nộ và làn sóng chỉ trích nhắm vào ông, khi nhiều người cho rằng nghị sĩ Cộng hòa này đang ám chỉ việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Dải Gaza, điều từng được một nghị sĩ Israel nêu ra.
"Phát ngôn của Walberg không những thiếu hiểu biết mà còn ghê rợn, vừa phi Mỹ vừa vô nhân đạo. Chúng đối lập với những giá trị của nước Mỹ", Marianne Williamson, cựu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, đăng trên X.
"Walberg chỉ trích nỗ lực đưa viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza của Tổng thống Biden. Còn giải pháp của ông ta là gì? Hủy diệt tất cả", Nick Knudsen, giám đốc điều hành Demcast, nền tảng truyền thông ủng hộ đảng Dân chủ, viết.
Nghị sĩ Walberg sau đó giải thích rằng ông chỉ dùng phép ẩn dụ để nhấn mạnh cả Israel và Ukraine cần giành chiến thắng trong cuộc xung đột của họ càng nhanh càng tốt mà không gây tổn hại cho quân đội Mỹ.
"Những cuộc chiến này càng sớm kết thúc, càng giảm bớt sinh mạng vô tội bị vướng vào tên rơi đạn lạc", ông Walberg nói. "Là người lớn lên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tôi không ủng hộ việc sử dụng vũ khí hạt nhân".
Nữ nghị sĩ Revital Gotliv, thành viên đảng Likud cầm quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cuối năm ngoái cũng hứng nhiều chỉ trích khi kêu gọi sử dụng tên lửa hạt nhân Jericho để đáp trả Hamas ở Gaza.
Nikolai Sokov, thành viên cấp cao tại Trung tâm Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí Vienna, cho rằng lời kêu gọi của bà Gotliv là "thiển cận", cho thấy sự thiếu hiểu biết về vũ khí hạt nhân.
Ông chỉ ra rằng trong trường hợp Israel sử dụng vũ khí hạt nhân ở Dải Gaza ngay cạnh lãnh thổ của mình, thiệt hại mà nước này hứng chịu từ phóng xạ cũng sẽ rất lớn. "Thực tế là không có mục tiêu nào cho vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột này", ông nêu.
Xung đột ở Dải Gaza bùng phát từ hôm 7/10/2023, khi nhóm vũ trang Hamas tấn công vào lãnh thổ Israel, khiến khoảng 1.160 người thiệt mạng. Hamas bắt 250 người làm con tin và Israel cho rằng trong số 130 con tin vẫn còn ở Dải Gaza, 33 người đã chết.
Cơ quan y tế Dải Gaza cho biết chiến dịch quân sự của Israel ở dải đất đã khiến hơn 32.000 người chết.
Tổng thống Biden gần đây liên tục kêu gọi Israel không mở chiến dịch tấn công vào Rafah, thành phố phía nam Dải Gaza, nơi khoảng một triệu dân thường đang trú ẩn. Ông đã ra lệnh cho không quân Mỹ thả dù đồ ăn và hàng viện trợ xuống Gaza, đồng thời xúc tiến kế hoạch xây dựng cảng nổi để chuyển đồ tiếp tế vào dải đất, nơi đang đối mặt nạn đói và thảm họa nhân đạo.
Ngọc Ánh (Theo Newsweek/Reuters/AFP)