Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain kể về hai lần gặp gỡ của ông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một bài viết đăng tải hôm 6/10 trên Wall Street Journal. Dưới đây là trích lược nội dung bài viết:
Tôi gặp Tướng Võ Nguyên Giáp hai lần. Lần đầu tiên là trong bệnh viện quân đội Việt Nam, nơi tôi được đưa đến sau khi bị bắt năm 1967. Cha tôi chỉ huy toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, vì thế tôi trở thành đối tượng mà một số cán bộ Việt Nam tò mò muốn biết.
Tôi nhớ là có một số quan chức cấp cao, bên cạnh những người lính gác và thẩm vấn mà tôi vẫn gặp hàng ngày. Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng miền Bắc Việt Nam thời bấy giờ, là người duy nhất tôi nhận ra ngay lúc đó. Ông chỉ dừng lại một chút, nhìn về phía tôi rồi rời đi mà không nói lời nào cả.
Lần gặp gỡ thứ hai của chúng tôi là vào đầu thập niên 1990, trong một trong nhiều chuyến đi của tôi tới Hà Nội để thảo luận về vấn đề Tù binh chiến tranh và lính Mỹ mất tích (POW/MIA) và bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Tôi đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và thứ trưởng Lê Mai sắp xếp một cuộc phỏng vấn ngắn với vị tướng chỉ huy huyền thoại của Quân đội nhân dân miền Bắc Việt Nam.
Ngày hôm sau, tôi được đưa đến một căn phòng lớn được sử dụng làm nơi tiếp khách. Kiến trúc này được người Pháp xây dựng cho những lãnh đạo cao nhất của chính quyền thực dân. Tại đây, Tướng Giáp đang ngồi đợi tôi.
Ông trông tươi cười, dáng người nhỏ, khuôn mặt hơi già nhưng nhanh nhẹn. Ông mặc một bộ đồ màu xám, có thắt cà vạt.
Bên dưới bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, Tướng Giáp chào đón tôi một cách nồng hậu. Chúng tôi vỗ vai nhau như những đồng đội cũ gặp mặt chứ không phải những người từng là kẻ thù.
Trước khi đến gặp Tướng Giáp, tôi đã hy vọng rằng cuộc thảo luận của chúng tôi có thể tập trung làm rõ vai trò lịch sử của ông. Năm 1973, khi tôi được trao trả về Mỹ, tôi đã đọc gần như tất cả những gì tôi có về hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam. Tôi bắt đầu đọc từ cuốn "Địa ngục ở nơi rất nhỏ bé" (Hell in a Very Small Place" của Bernard Fall, một người nghiên cứu rất kỹ về cuộc chiến Điện Biên Phủ năm 1954, nơi khả năng thiên tài về quân sự của Tướng Giáp được bộc lộ và khiến thế giới chấn động.
Tôi rất muốn nghe Tướng Giáp mô tả lại trận đánh kéo dài gần hai tháng và giải thích tại sao quân đội của ông lại có thể làm những điều phi thường như di chuyển những khẩu pháo xuyên rừng lên các sườn núi khiến cho quân Pháp phải kinh sợ. Tôi muốn nói chuyện với Tướng Giáp về tuyến đường hậu cần kỳ diệu mang tên "Đường mòn Hồ Chí Minh".
Tôi nghĩ ông cũng rất tự hào với những lời khen tặng của thế giới. Họ coi ông là một Napoleon. Tôi đoán rằng Tướng Giáp sẽ đón nhận cơ hội để thỏa mãn trí tò mò của tôi về những chiến thắng của ông. Tôi muốn cả hai chúng tôi coi nhau như những sĩ quan quân đội về hưu, cùng nhau ngồi kể lại các sự kiện lịch sử mà Đại tướng đã có những chiến công lớn. Tuy nhiên, Tướng Giáp chỉ trả lời các câu hỏi của tôi một cách ngắn gọn. Tôi biết thêm không nhiều ngoài những điều đã đọc. Sau đó, Đại tướng vẫy tay thể hiện thái độ nên dừng lại.
"Tất cả đã là quá khứ. Tôi và anh nên bàn chuyện tương lai khi mà Mỹ và Việt Nam không còn là kẻ thù, mà là bạn", ông nói. Sau đó, chúng tôi, hai chính trị gia, đã thảo luận việc hợp tác giữa hai đất nước, mục đích chính đã đưa chân tôi quay lại Việt Nam.
Tướng Giáp là một bậc thầy về vận dụng chiến thuật hậu cần nhưng danh tiếng của ông còn nhiều hơn thế. Những chiến thắng và thành tựu của Tướng Giáp có được là nhờ sự kiên trì thực hiện đường lối chiến lược mà chính ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin chắc sẽ thành công. Chiến lược đó là quyết tâm đến cùng, chấp nhận đau thương và mất mát để đánh bại bất kỳ kẻ thù nào dù có mạnh đến đâu.
... Gần lúc cuộc gặp gỡ giữa tôi và Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết thúc, chúng tôi đứng dậy, bắt tay và chào từ biệt. Tướng Giáp nắm lấy cánh tay tôi và nói nhỏ "Anh là một kẻ thù đáng trọng".
Cho đến giờ tôi thực sự cũng không rõ ý của ông ấy là muốn so sánh với các kẻ thù khác của Việt Nam, hay hàm ý là chúng tôi đều chiến đấu vì lý tưởng của mình. Hay là ông ấy chỉ muốn xoa dịu tôi. Dù ý nghĩa câu nói của ông là gì, tôi đánh giá cao điều ông dành cho tôi.
Nguyễn Tâm (lược dịch)