Sabah al Saadi, lãnh đạo khối nghị viện Islah ở Iraq, hôm 26/12 kêu gọi tổ chức một phiên họp khẩn cấp tại quốc hội để thảo luận "sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Iraq và ngăn chặn những hành động gây hấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump", theo Reuters. "Trump nên biết giới hạn của ông ta tại Iraq. Sự chiếm đóng của Mỹ tại Iraq đã kết thúc".
Động thái diễn ra sau khi Trump và Đệ nhất phu nhân Melania bất ngờ tới thăm lực lượng Mỹ tại căn cứ không quân Al-Asad, phía tây Baghdad. Trong chuyến thăm, Trump nhấn mạnh Mỹ vẫn duy trì hiện diện tại Iraq, nhưng Tổng thống Mỹ không gặp Thủ tướng Iraq mà chỉ trao đổi qua điện thoại.
Khối Bina, đối thủ của Islah tại quốc hội do lãnh đạo dân quân thân Iran Hadi al-Amiri dẫn đầu, cũng phản đối chuyến thăm của Trump. "Chuyến thăm là sự vi phạm trắng trợn tiêu chuẩn ngoại giao, cho thấy thái độ khinh bỉ và thù địch của ông ta trong các thỏa thuận với chính phủ Iraq", tuyên bố của Bina cho hay. Khối này cũng cho rằng chuyến thăm của Trump đặt nhiều nghi vấn về bản chất sự hiện diện quân sự cũng như các mục tiêu thực sự của Mỹ, và những mục tiêu này có thể đe dọa an ninh Iraq.
Văn phòng Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi ra tuyên bố nói rằng chính quyền Mỹ đã thông báo trước cho giới lãnh đạo Iraq về chuyến thăm của Trump. Cuộc gặp dự kiến giữa Mahdi và Trump đã được thay thế bằng một cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo do "bất đồng quan điểm về cách tiến hành cuộc gặp".
Các nghị sĩ Iraq nói rằng hai bên không thống nhất được địa điểm diễn ra cuộc gặp vì Trump yêu cầu gặp tại căn cứ quân sự Al-Asad nhưng Mahdi từ chối.
Chuyến thăm của Trump diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang khi Washington tìm cách chống lại sự ảnh hưởng của Tehran ở Trung Đông. Chính phủ Iraq hiện cũng chưa được kiện toàn do bất hòa gia tăng giữa khối Islah và Bina.
Falih Khazali, cựu lãnh đạo dân quân đã trở thành chính trị gia đồng minh với Bina, cáo buộc Mỹ muốn tăng cường sự hiện diện ở Iraq. "Giới lãnh đạo Mỹ đã bị đánh bại ở Iraq và muốn trở lại bằng bất kỳ cớ nào, và đây là điều chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép", Khazali nói.
Dù không có bạo lực diện rộng ở Iraq từ khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại vào năm ngoái, Mỹ vẫn duy trì khoảng 5.200 lính tại quốc gia này để huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng Iraq chống lại nhóm phiến quân.