Người biểu tình tràn xuống các tuyến đường trung tâm Hong Kong sáng nay. Video: AFP.
"Các bạn thấy đấy, các nghị sĩ không thể tới chỗ làm. Tôi sẽ thúc giục Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Andrew Leung hủy cuộc họp lúc 11h", Eddie Chu Hoi-Dick nói trước hàng nghìn người biểu tình đang phong tỏa hai con đường cao tốc chính ở trung tâm Hong Kong sáng nay.
Từ sáng sớm, đám đông biểu tình đã tập trung tại đường Lung Wo, con đường huyết mạch gần văn phòng của trưởng đặc khu Carrie Lam và trụ sở Hội đồng Lập pháp Hong Kong, nhằm phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi sẽ được cơ quan lập pháp Hong Kong thảo luận trong sáng nay.
"Bà Lam không được sử dụng hơi cay hay đạn cao su để giải tán người biểu tình ở đây. Việc bà ấy phải làm là rút dự luật ngay lập tức", nghị sĩ Chu nói. Ông chỉ trích bà Lam không lắng nghe người dân mà chỉ khăng khăng đòi thúc đẩy việc thông qua dự luật.
Một số người biểu tình dựng rào chắn ở trung tâm Hong Kong, chặn đường giao thông, bất chấp cảnh sát kêu gọi rút lui. Những hình ảnh này gợi nhớ tới phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ làm rung chuyển thành phố cuối năm 2014.
Bà Carrie Lam cho biết sẽ không từ bỏ dự luật gây tranh cãi này, dù nó gây lo ngại sâu sắc khắp trung tâm tài chính của châu Á và là nguyên nhân nổ ra cuộc biểu tình hôm 9/6 với sự tham gia của hàng trăm nghìn người. Đây là cuộc biểu tình chính trị lớn nhất tại Hong Kong từ khi Anh trao trả lại Trung Quốc năm 1997.
Khoảng 20.000 người, chủ yếu là thanh niên, đã mang lều bạt và đồ ăn tới tụ tập trước trụ sở cơ quan lập pháp từ đêm qua để tham gia biểu tình đợt hai phản đối dự luật dẫn độ. "Tôi muốn làm gì đó trước khi tự do bị tước đi", Yu Wing-sum, 23 tuổi, nói.
Sau phiên thảo luận sáng nay, các nghị sĩ Hong Kong sẽ bỏ phiếu về Dự luật sửa đổi "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" vào 20/6. Bà Carrie Lam đang tìm cách xoa dịu lo ngại của công chúng, cho biết chính quyền sẽ bổ sung một số điều khoản vào dự luật, bao gồm đảm bảo nhân quyền.
Trong một động thái bày tỏ quan điểm chính trị hiếm hoi, các lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng Hong Kong hôm qua cảnh báo việc thông qua luật dẫn độ có thể làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư vào đặc khu và làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của trung tâm tài chính châu Á này.
Giáo phận Công giáo Hong Kong kêu gọi chính quyền không "vội vàng" thông qua dự luật, các tín đồ cầu nguyện cho Hong Kong. Bà Carrie Lam là người theo đạo Công giáo.

Người biểu tình chặn hai tuyến cao tốc lớn gần trụ sở chính quyền sáng nay ở Hong Kong. Ảnh: AFP.
Từ khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc 22 năm trước, đặc khu được điều hành theo chính sách "một quốc gia, hai chế độ", trong đó Hong Kong duy trì hệ thống tư pháp độc lập với Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, nhiều người cáo buộc chính quyền Trung Quốc đại lục đang can thiệp sâu hơn vào Hong Kong và dần tước đi các quyền tự quyết của đặc khu hành chính. Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này. Sau cuộc biểu tình hôm 9/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng "các thế lực ngoại quốc" đang tìm cách xâm hại lợi ích của Trung Quốc bằng cách tạo ra sự hỗn loạn tại Hong Kong thông qua biểu tình phản đối luật dẫn độ.
Hồng Hạnh (Theo Reuters/AFP)