Trong đoạn video được phát sóng trực tiếp trên truyền hình về vụ ẩu đả hôm nay, hàng chục nghị sĩ chen chúc nhau để giành chỗ trên một dãy ghế chính trong phòng họp.
Trong khi một số người túm áo giằng co và chửi bới thì một số khác lại ra sức cầm cốc và chai nhựa hất nước vào người của phe đối lập, AFP đưa tin. Giữa phòng, hai nam nghị sĩ vật nhau ngã xuống sàn nhà, sau đó bị những người khác xông vào can ngăn và lôi đi.
Trong khung cảnh hỗn loạn, tiếng hô đồng thanh của một số nghị sĩ vang lên: "Ủng hộ Nuke 4 là hãm hại trẻ em".
Cơ quan lập pháp Đài Loan đang dự kiến bỏ phiếu để quyết định tổ chức trưng cầu về dự án nhà máy hạt nhân thứ tư được gọi là Nuke 4 trên đảo. Kể từ khi được bắt đầu thi công vào năm 1999, nhà máy này đã trở thành tâm điểm tranh cãi ở Đài Loan. Nhà máy đã được hoàn thành 90% và dự kiến đi vào hoạt động năm 2015.
Theo đảng đối lập Dân chủ Tiến bộ (DPP), do vụ ẩu đả, cuộc bỏ phiếu có thể sẽ bị trì hoãn đến tuần tới. DPP phản đối Nuke 4 với những lo ngại về an toàn, trong khi đảng cầm quyền Quốc dân đảng lại cảnh báo rằng, việc hủy bỏ dự án xây dựng sẽ dẫn đến sự thiếu hụt về điện và gây tổn thương nền kinh tế.
Cơ quan lập pháp Đài Loan từ lâu đã nổi tiếng với nhiều vụ xô xát giữa nghị sĩ các phe đối lập. Hồi tháng 6, các quan chức của đảo cũng tung nắm đấm và ném cà phê vào nhau trong một cuộc tranh luận về thuế.
Trong vụ việc mới nhất, các nghị sĩ Đài Loan hứng chịu nhiều chỉ trích nặng nề từ công chúng trên các diễn đàn và mạng xã hội.
"Cơ quan lập pháp hỗn loạn hơn cả cái chợ, còn các nghị sĩ thì hành động như những kẻ ngốc. Thật đáng xấu hổ", một người có tên Dick Wang bình luận trên China Times.
Trong khi các nghị sĩ trên đấu đá với nhau, khoảng 100 nhà hoạt động môi trường đã tập trung bên ngoài tòa nhà, hô vang các khẩu hiệu chống năng lượng hạt nhân.
Những lo ngại về các nhà máy hạt nhân trên đảo nảy sinh từ năm 2011, khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima I ở Nhật Bản bị sóng thần tàn phá, dẫn đến thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trên thế giới kể từ sau sự cố Chernobyl năm 1986.
Các nhóm hoạt động đã tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình trên đường phố trong những tháng qua để kêu gọi chính quyền ngay lập tức ngừng xây dựng nhà máy thứ tư và tiến tới ngừng sử dụng năng lượng hạt nhân.
Giống như Nhật Bản, đảo Đài Loan cũng thường xuyên đối mặt với các trận động đất. Năm 1999, một trận động đất mạnh 7,6 độ Richter đã giết chết khoảng 2.400 người ở Đài Loan và trở thành thiên tai khủng khiếp nhất trong lịch sử hòn đảo này.
Anh Ngọc (Video: AP)