Maree Edwards, chủ tịch hạ viện bang Victoria, Australia, ngày 13/9 chủ trì phiên họp đặc biệt để các nghị sĩ tuyên thệ trung thành với Vua Charles III, người lên ngôi và trở thành nguyên thủ của Khối Thịnh vượng Chung sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời.
Ông Edwards mở đầu phiên họp bằng cách đọc thông báo của Thủ hiến bang Victoria về cái chết của Nữ hoàng và việc Vua Charles III đăng quang. Toàn bộ 88 nghị sĩ trong hạ viện bang sau đó được yêu cầu tuyên thệ, xác nhận họ "trung thành thực sự với Bệ hạ cũng như những người kế vị ngài theo quy định của luật".
![Các nghị sĩ hạ viện bang Victoria tuyên thệ trung thành với Vua Anh. Ảnh: AP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/09/14/-7521-1663140649.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=D6NZXkwDycVGE1lOzMO6BA)
Các nghị sĩ hạ viện bang Victoria tuyên thệ trung thành với Vua Anh. Ảnh: AP.
Victoria là bang duy nhất ở Australia yêu cầu các thành viên của cả hai viện tuyên thệ trung thành với tân vương Anh sau khi người tiền nhiệm qua đời, theo điều 23 trong hiến pháp bang. Lần gần đây nhất lễ tuyên thệ này được tổ chức là vào năm 1952, sau khi Vua George VI qua đời.
Bốn nghị sĩ từ đảng Xanh đã sử dụng nghi thức tuyên thệ để vận động bầu một nguyên thủ quốc gia mới của Australia thay cho Vua Anh.
"Chúng tôi ở đây với tư cách là các nghị sĩ bang Victoria, để thề trung thành với Vua Charles III, tân nguyên thủ được quyết định cho chúng tôi, nhưng không phải bởi chúng tôi", Samantha Ratnam, lãnh đạo đảng Xanh, nói trước buổi lễ.
Theo bà, đây là thực sự là thời điểm quan trọng để suy ngẫm về vai trò của chế độ quân chủ Anh đối với Australia, cũng như tác động của quá trình thuộc địa hóa và sự cần thiết tiến tới biến Australia thành một nước cộng hòa.
Ba nghị sĩ đảng Xanh khi tuyên thệ đã mặc trang phục in các khẩu hiệu cho rằng Anh từng cai trị Australia mà không ký hiệp ước với người bản địa. Nghị sĩ Ratnam cũng cho rằng lễ tuyên thệ này là "vô lý".
![Samantha Ratnam (áo đen), Lãnh đạo đảng Xanh, trả lời truyền thông bên ngoài nghị viện bang Victoria ở Melbourne, ngày 13/9. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/09/14/-4739-1663131044.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WKi0TThfO7Qn-Ob9ubemHA)
Samantha Ratnam (áo đen), Lãnh đạo đảng Xanh, trả lời truyền thông bên ngoài nghị viện bang Victoria ở Melbourne, ngày 13/9. Ảnh: Reuters.
Sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II đã làm dấy lên tranh luận về quan hệ giữa Australia với chế độ quân chủ. Quốc gia này từng là thuộc địa của Anh, tuyên bố độc lập từ nhiều thập kỷ trước song vẫn thuộc Khối Thịnh vượng Chung và coi Vua Charles III là nguyên thủ quốc gia.
Nếu từ bỏ chế độ quân chủ lập hiến để trở thành nước cộng hòa, Australia cần bầu ra tổng thống để trở thành nguyên thủ đất nước. Ngoài đảng Xanh, Công đảng trung tả của Australia cũng muốn bầu ra một tổng thống thay thế vai trò nguyên thủ của quốc vương Anh.
Tuy nhiên, những gì diễn ra tại lễ tuyên thệ ở bang Victoria đông dân thứ hai đất nước đã cho thấy quá trình cắt đứt quan hệ với Vua Charles III có thể trở nên rất phức tạp.
Trước đó, Thủ tướng Australia Antony Albanese ngày 11/9 đã gạt những ý kiến này sang một bên, khẳng định "giờ là lúc để tưởng nhớ, thể hiện lòng kính trọng đối với Nữ hoàng, không phải để theo đuổi những câu hỏi về hiến pháp quốc gia". Nhưng ông từng để cập khả năng Australia trở thành nước cộng hòa là cơ hội thú vị hồi năm 2018.
Trong khi đó, New Zealand cũng hướng tới mục tiêu từ bỏ chế độ quân chủ lập hiến. Theo Thủ tướng Jacinda Ardern, nước này cuối cùng sẽ trở thành nước cộng hòa và không còn coi quốc vương Anh là nguyên thủ quốc gia, nhưng đây không phải một vấn đề cấp thiết và sẽ không được xem xét trong tương lai gần.
![Các quốc gia coi Quốc vương Charles III là nguyên thủ. Đồ họa: The Globe and Mail.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/09/14/-5104-1663130040.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ar__H_RBAb6-wWTSHztEEQ)
Các quốc gia coi Quốc vương Charles III là nguyên thủ. Đồ họa: The Globe and Mail.
Đức Trung (Theo AP)