CNN dẫn lời David Bowditch, trợ lý giám đốc Cục Điều tra Liên bang FBI tại khu vực Los Angeles hôm qua cho biết Farook từng tới Pakistan.
Hai quan chức khác cho biết y cũng từng đến Arab Saudi trong vài tuần hồi năm 2013 để tham dự lễ hành hương đến thánh địa Mecca. Trong chuyến đi này, y đã gặp Tashfeen Malik, một công dân Pakistan. Malik sau đó đến Mỹ vào tháng 7/2014 theo thị thực diện hôn thê của Farook và được cư trú hợp pháp.
Tháng 7/2014, Farook cũng quay lại Arab Saudi 9 ngày và đây là chuyến đi cuối cùng của y đến nước này được ghi nhận.
Cả Farook và vợ chưa hề có tên trong danh sách những người có khả năng bị cực đoan hóa của FBI hay từng có tiền án tiền sự.
Tuy nhiên, Farook từng nói chuyện qua điện thoại và mạng xã hội với hơn một kẻ bị FBI điều tra tội khủng bố, dù việc liên lạc không diễn ra thường xuyên.
Cảnh sát vẫn đang điều tra xem liệu những cuộc trò chuyện có liên quan gì đến động cơ xả súng của Farook và vợ hôm 2/12 tại trung tâm hỗ trợ người khuyết tật ở San Bernardino, bang California, làm 14 người thiệt mạng và 17 người bị thương hay không.
Trong cuộc khám xét căn hộ cũng như chiếc SUV đen của hai vợ chồng này hôm qua, cảnh sát phát hiện hàng trăm băng đạn và 12 quả bom ống, cùng hàng trăm dụng cụ "có thể được dùng để chế tạo thiết bị nổ hoặc bom ống". Có ba thiết bị thô sơ chứa đầy bột màu đen và kết nối với một chiếc xe đồ chơi điều khiển từ xa tại hiện trường vụ xả súng. Tất cả đều ở chế độ mở.
Ngoài ra, cặp đôi còn sở hữu hai khẩu súng trường nòng 0,223 và hai khẩu súng lục. Tất cả đều được mua từ 3 đến 4 năm trước. Số đạn dược trên đủ để Farook và Malik sát hại thêm nhiều người, cảnh sát cho biết.
Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể xác định liệu hai nghi phạm đã lên kế hoạch tấn công nhằm vào một mục tiêu có sẵn hay chỉ hành động bột phát. Farook và vợ không để lại lời nhắn nào trước khi ra tay.
Cả hai đều đã bị bắn hạ trong cuộc truy đuổi của cảnh sát vài giờ sau vụ xả súng.
Anh Ngọc