Fulgence Kayishema, cựu sĩ quan cảnh sát ngoài 60 tuổi, ngày 24/5 bị bắt tại một vườn nho ở Paarl, thị trấn nhỏ trong vùng sản xuất rượu vang cách Cape Town của Nam Phi gần 50 km về phía đông.
Kayishema bị bắt trong chiến dịch hợp tác của chính quyền Nam Phi và các nhà điều tra Liên Hợp Quốc. Theo cảnh sát Nam Phi, khi bị bắt, Kayishema đã khai tên giả là Donatien Nibashumba, quyết không thừa nhận danh tính thực. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, anh ta nói "tôi đã chờ đợi rất lâu để bị bắt".
Kayishema bị truy tố vào năm 2001. Các nhà điều tra cho biết Kayishema đã sử dụng nhiều danh tính và giấy tờ giả để tránh bị phát hiện trong suốt thời gian lẩn trốn. Mỹ đã treo thưởng 5 triệu USD cho người cung cấp thông tin giúp bắt được Kayishema.
Năm 1994, hơn 800.000 người Tutsi và Hutu đã thiệt mạng trong cuộc diệt chủng ở Rwanda diễn ra trong 3 tháng. Tòa án cáo buộc Kayishema đã trực tiếp tham gia lập kế hoạch và thực hiện vụ thảm sát hơn 2.000 người ở nhà thờ Công giáo Nyange ngày 15/4/1994, khi cuộc diệt chủng vừa bắt đầu.
Cáo trạng cho biết Kayishema, khi đó là thanh tra cảnh sát, đã mua xăng để thiêu cháy nhà thờ đang có nhiều người tị nạn bên trong. Kayishema và các đồng phạm cũng bị cáo buộc sử dụng máy ủi để làm sập nhà thờ sau vụ hỏa hoạn.
Khi cuộc diệt chủng kết thúc vào tháng 7/1994, Kayishema chạy sang Cộng hòa Dân chủ Congo cùng vợ con và anh rể. Sau khi chạy tới nhiều quốc gia châu Phi, anh ta chuyển đến Nam Phi vào năm 1999 và sử dụng tên giả để xin tị nạn ở Cape Town.
Kể từ khi đến Nam Phi, Kayishema đã dựa vào một mạng lưới hỗ trợ chặt chẽ gồm các cựu thành viên quân đội Rwanda, những người đã tìm cách che giấu hoạt động và nơi ở của anh ta.
Kayishema dự kiến bị xét xử tại một tòa án ở Cape Town vào ngày 26/5, trước khi có khả năng bị dẫn độ đến Rwanda.
"Kayishema đã chạy trốn hơn 20 năm. Vụ bắt đảm bảo rằng cuối cùng anh ta phải chịu hình phạt thích đáng cho những tội ác của mình", Serge Brammertz, trưởng công tố của Cơ chế giải quyết các vụ việc tồn đọng của các tòa án quốc tế (IRMCT) thuộc Liên Hợp Quốc, nói. "Diệt chủng là tội ác nghiêm trọng nhất đối với con người".
Thanh Tâm (Theo CNN, AP)