Saadallah, 25 tuổi, bị cơ quan tình báo Anh MI5 đưa vào "tầm ngắm" gần một năm trước, sau khi nhận được tin báo rằng anh ta muốn quay về Libya và có kế hoạch gia nhập một nhóm phiến quân Hồi giáo. Tuy nhiên, hồ sơ về Saadallah bị đóng sau hai tháng khi MI5 không tìm thấy bằng chứng để chứng minh nghi vấn này.
Hồi đầu tháng 6, Saadallah được phóng thích khỏi nhà tù sau khi thi hành án phạt với các tội danh nhỏ, không liên quan đến khủng bố. Hôm 20/6, anh ta bị bắt tại hiện trường sau khi gây ra vụ tấn công bằng dao khiến ba người chết và một người nhập viện tại công viên Forbury Gardens, thị trấn Reading, hạt Berkshire, đông nam nước Anh.
Nhân chứng cho hay nghi phạm vào công viên, hét lên câu gì đó bằng tiếng nước ngoài, trước khi dùng con dao dài khoảng 12 cm đâm một nhóm người đang ngồi quây quần trên thảm cỏ. Saadallah quay sang tấn công nhóm người thứ hai và chạy trốn trước khi bị bắt.
Cảnh sát Anh đang điều tra vụ án theo hướng khủng bố. Căn hộ của nghi phạm cách công viên hơn một km bị đột kích sáng 21/6 và đang bị phong tỏa.
Saadallah nhập cư trái phép vào Anh năm 2012, nhưng được cấp quy chế tị nạn vào năm 2018. Gia đình cho hay Saadallah chuyển tới Anh vì không thể chịu nổi cảnh đất nước bị chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, anh ta thường xuyên khoe với bạn bè rằng từng tham gia chiến đấu để lật đổ đại tá Muammar Gaddafi.
Một người họ hàng của Saadallah cho hay anh ta có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần, luôn nghe thấy một giọng nói trong đầu và cảm thấy mình bị theo dõi. Bạn bè cũng nói rằng anh ta là người có tính cách thất thường, có thể do thường xuyên hút cần sa. Saadallah đã cải đạo sang Thiên Chúa giáo, thậm còn xăm hình thánh giá trên tay.
Sau khi đến Anh, Saadallah sống ở Manchester rồi chuyển đi vì có liên quan tới Salman Abedi, kẻ thực hiện vụ đánh bom khủng bố ở hội trường Manchester Arena tại Manchester hồi tháng 5/2017, theo lời của hàng xóm. Bộ Nội vụ Anh từ chối trả lời liệu Saadallah và Abedi có liên quan tới nhau hay không.
Hiện chưa rõ động cơ Saadallah gây án, nhưng nhiều người lo ngại anh ta có thể lấy cảm hứng từ các cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo. Bộ Nội vụ Anh từng muốn trục xuất Saadallah nhưng không thành công, vì chính phủ không đồng ý trục xuất người xin tị nạn tới những quốc gia đang gặp chiến tranh, hoặc những quốc gia gây lo ngại vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Tiến sĩ Alan Mendoza, giám đốc điều hành của Hiệp hội Henry Jackson, nhóm chuyên gia về chính sách đối ngoại của Anh, cho rằng để bảo vệ người dân, Bộ Nội vụ phải được quyền trục xuất những người nước ngoài khả nghi, bao gồm người xin tị nạn.
Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng Anh, cho rằng đây là lúc cần rút ra bài học từ vụ đâm dao ở Reading. "Thật kinh khủng khi các vụ tấn công cứ xảy ra khắp nơi, khắp Reading, khắp cả nước, khiến người dân đau buồn và lo lắng", ông nói. "Vụ án phải được làm sáng tỏ, đây không phải lúc đấu đá đảng phái".
Hồng Hạnh (Theo Telegraph)